Nga chuẩn bị siết lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu
Nga chuẩn bị ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả đối với các nhà sản xuất nhiên liệu, để giải quyết tình trạng giá cả tăng cao, ba nguồn tin trong ngành quen thuộc với kế hoạch này tiết lộ với Reuters hôm thứ Năm 24/7.

Bồn chứa dầu của nhà điều hành đường ống dẫn dầu Transneft tại kho dầu thô Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. (Ảnh: Reuters)
Hiện nay, Nga chỉ cấm đối với việc xuất khẩu xăng của các đại lý bán lẻ, trong khi các công ty dầu khí vẫn được phép bán nhiên liệu ra nước ngoài.
"Và rồi lệnh cấm toàn bộ đã được quyết định. Hiện tại, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 8 và tháng 9", một nguồn tin cho biết.
Một nguồn tin khác cho biết lệnh cấm có thể được công bố vào thứ Hai tuần sau.
Các nguồn tin cho biết, lệnh cấm này sẽ không áp dụng đối với nguồn cung cho Liên minh kinh tế Á - Âu do Moscow đứng đầu, một nhóm gồm năm quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và cho các quốc gia như Mông Cổ mà Nga có thỏa thuận liên chính phủ về cung cấp nhiên liệu.
Chính phủ Nga đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu xăng tạm thời nhiều lần trong hai năm qua để ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu và giá cả tăng cao.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết đầu tháng này rằng Chính phủ sẽ nghiên cứu thị trường nhiên liệu để xem liệu có cần áp dụng thêm các hạn chế hay không.
Văn phòng của ông Novak đã từ chối yêu cầu bình luận của Reuters vào thứ Năm 24/7.
Giá xăng bán buôn tại sàn giao dịch hàng hóa St. Petersburg đã tăng kể từ đầu tuần trước, với giá loại xăng phổ biến Ai-95 đạt mức cao nhất lịch sử là 76.293 rúp (962,69 đô la) cho một tấn.
Nga sản xuất hơn 40 triệu tấn xăng mỗi năm. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước nhập khẩu nhiên liệu chính của Nga.
Theo các nguồn tin, Nga đã tăng xuất khẩu xăng trong 5 tháng đầu năm 2025 khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 2,51 triệu tấn.
Nga từng là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất cho châu Âu trước xung đột với Ukraine. Dù EU đã cấm nhập khẩu sản phẩm dầu Nga từ đầu năm 2023, nhưng châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung gián tiếp (thông qua các nước trung gian như Ấn Độ, UAE - nơi lọc dầu Nga).
Lệnh cấm xuất khẩu xăng/dầu diesel của Nga khiến chuỗi cung ứng gián tiếp bị gián đoạn, đặc biệt là trong mùa thu - đông, khi nhu cầu sưởi ấm và giao thông tăng cao. Giá dầu diesel và xăng tại châu Âu đã tăng mạnh sau mỗi đợt Nga cấm xuất khẩu. dẫn chứng là sau lệnh cấm tháng 9/2023, giá dầu diesel tại Tây Âu tăng gần 9% trong vòng 2 tuần.
Các nhà máy lọc dầu châu Âu phải cạnh tranh gắt gao để mua hàng từ Mỹ hoặc Trung Đông với chi phí vận chuyển cao hơn.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-chuan-bi-siet-lenh-cam-xuat-khau-xang-dau-730476.html