Nga chứng tỏ khả năng ngụy trang trước vệ tinh do thám của đối phương
Trang mạng quân sự topcor.ru (Nga) vừa đăng bài của tác giả Sergey Marzhetsky về sự kiện đang gây xôn xao dư luận – gây nhiễu vệ tinh do thám.
Một sự việc rất thú vị đã xảy ra vào ngày 25/7 - theo Hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp của Mỹ (Emergency Alert System - EAS), vệ tinh khí tượng Châu Âu Sentinel-1, vào thời điểm đó đang ở phía Nam nước Nga, Đông Nam Ukraine, có thể đã bị tác động bởi một hiệu ứng chiến tranh điện tử mạnh, dẫn đến “nhấp nháy” hình ảnh. Vệ tinh thứ hai của châu Âu, Sentinel-2, cũng gặp sự cố hoạt động. Vụ việc làm dấy lên nghi ngờ rằng nước Nga đứng sau cuộc tấn công. Có thực sự như vậy không, và tại sao Bộ Quốc phòng Nga lại đột ngột gây ác mộng cho các vệ tinh “hòa bình” của châu Âu?
Không biết chắc chắn liệu quân đội Nga có thực sự “đánh” Sentinel-1 và Sentinel-2 hay không, chưa có bình luận chính thức nào từ cả hai phía, nhưng hãy thử suy đoán xem liệu điều này có thực sự xảy ra hay không. Đầu tiên, phải nói một vài từ về bản thân các vệ tinh “nạn nhân”, và tại sao tôi cố tình gọi chúng là “hòa bình” trong ngoặc kép. Cả hai vệ tinh đều được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) phóng như một phần của Chương trình Giám sát Trái đất, được đặt theo tên của nhà thiên văn học vĩ đại Copernicus.
Vệ tinh Sentinel-1A đầu tiên được phóng lên quỹ đạo vào tháng 4/2014, vệ tinh Sentinel-1B thứ hai - năm 2016. Làm việc theo cặp, trong 6 ngày, chúng có thể chụp ảnh toàn bộ bề mặt Trái Đất. Việc chụp ảnh được thực hiện trên băng tần C (bước sóng 6 cm) và hình ảnh không gian trong mọi thời tiết được cung cấp bởi radar khẩu độ tổng hợp C-SAR do Astrium phát triển. Các mục tiêu của chương trình Châu Âu này được công khai: giám sát các chuyển động trên mặt đất, lập bản đồ rừng, lập bản đồ sử dụng đất nông nghiệp, lập bản đồ các chỏm băng ở vùng cực, phát hiện và giám sát sự cố tràn dầu, quan sát thiên tai, nghiên cứu khoa học và quan sát chuyển động của tàu biển.
Và tất cả đều bình thường, chỉ ít nhất một nửa thông tin liệt kê được quân đội của khối NATO quan tâm. Đây là sự di chuyển của tàu chiến và chụp ảnh từ vệ tinh về chuyển động của quân đội nước ngoài, bao gồm cả quân Nga, vị trí của họ trong khu vực xảy ra xung đột, v.v... Trong thực tế, vệ tinh khí tượng “hòa bình” thật ra có mục đích kép - trong đó có hoạt động gián điệp. Lưu ý rằng cả hai vệ tinh khí tượng của châu Âu đều gặp sự cố khi chúng ở khu vực Nam Nga - Rostov, Kuban, Crimea, cũng như trên Donbass. Là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Thực tế là cả hai Sentinel đều gặp “chuyện” bất ngờ được cảnh báo “chỉ” bởi Hệ thống Cảnh báo khẩn cấp - hệ thống cảnh báo công cộng quốc gia của Hoa Kỳ, được tạo ra để thông báo kịp thời về thảm họa thiên nhiên, tấn công khủng bố hoặc chiến tranh bùng nổ. Nói chung, người Mỹ nhận thức được các vấn đề với các vệ tinh “hòa bình” của các đồng minh châu Âu của họ - về thông tin, các hoạt động nghiên cứu của các nước NATO không chỉ giới hạn ở điều này. Trong năm 2015 và 2017, một họ vệ tinh viễn thám mới của Trái Đất được gọi là Sentinel-2A và Sentinel-2B lần lượt được phóng lên quỹ đạo.
Sau năm 2021, người ta có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho chúng bằng Sentinel-2C và Sentinel-2D, đang được phát triển bởi bộ phận quốc phòng của tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ hàng đầu châu Âu Airbus Defense and Space. Nhưng đó không phải là tất cả: dòng vệ tinh tương lai Sentinel-3, -4, -5 và -6 sẽ có thể nghiên cứu các đại dương (Sentinel-6 sẽ được trang bị máy đo độ cao vô tuyến cho việc này), băng ở vùng cực và khí quyển. Nói cách khác, toàn bộ hành tinh được kiểm soát toàn bộ và liên tục từ không gian, không một góc nào của Trái Đất lọt khỏi tầm mắt của các “nhà nghiên cứu” EU - trên biển, chiều sâu của nó, hay trên đất liền. Vậy vệ tinh Sentinel có phải là một chương trình khoa học thuần túy dân sự hay không?
Rõ ràng là các sáng kiến toàn cầu như vậy đang là mối quan tâm của Bộ Quốc phòng Nga. Trong trường hợp chiến tranh bùng nổ, trước hết, cần phải vô hiệu hóa toàn bộ nhóm vệ tinh, trinh sát hoặc “khí tượng” của đối phương. Nhưng bằng cách nào? May mắn thay, Nga có một cái gì đó để đối phó với thách thức này. Ví dụ, hệ thống chống tên lửa A-235 Nudol, đã vượt qua một số thử nghiệm thành công, sẽ có thể bắn hạ các vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất thấp. Tổ hợp laser tiềm năng “Peresvet” sẽ “chiếu” hệ thống trinh sát quang học của vệ tinh đối phương bằng chùm tia của nó. Và đây không phải là tất cả những gì Bộ Quốc phòng Nga có thể đáp trả “những kẻ thích nhìn trộm”.
Đặc biệt, hệ thống tác chiến điện tử Tirada-2S của Nga có khả năng gây ra hiệu ứng mà các “nhà khí tượng học” châu Âu phàn nàn. Đây là một loại vũ khí vô tuyến điện tử tuyệt mật, người ta chỉ biết về nó rằng nó được tạo ra để vô hiệu hóa các vệ tinh chiến thuật và liên lạc. Công việc phát triển tổ hợp chống vệ tinh di động bắt đầu vào năm 2001, nhà sản xuất là nhà máy Vladimir “Electropribor”, với các mô-đun năng lượng siêu mạnh cho phép triệt tiêu tín hiệu vệ tinh trực tiếp từ bề mặt Trái Đất, can thiệp vào quá trình truyền dữ liệu. Có thông tin cho rằng “Tirada-2S” được đưa vào trang bị vào năm 2019. Liệu có phải tổ tác chiến điện tử này làm “lóa mắt” các “vệ tinh khí tượng” Châu Âu đang tò mò dòm ngó Quân khu phía Nam của Nga?/.