Nga: Chương trình làm giàu uranium của Iran không phải mối đe dọa
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, quyết định của Iran, khởi động lại các hoạt động nghiên cứu và phát triển máy ly tâm làm giàu uranium không phải là mối đe dọa vì hoạt động này thường xuyên được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát.
Nga: Quyết định khởi động lại chương trình làm giàu uranium của Iran không phải mối đe dọa. (Nguồn: EPA-EFE)
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết: "Không có nguy cơ nghiên cứu được chuyển sang sử dụng cho các mục đích không được công bố. Iran hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nước này tuân thủ thỏa thuận an toàn toàn diện của IAEA, và đang thực hiện Nghị định thư bổ sung".
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, bước tiến mới của Iran nhằm giảm bớt nghĩa vụ theo Thỏa thuận Hạt nhân được xúc tiến do áp lực trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là nhằm vào khu vực vũ trụ của Iran.
Trước đó, ngày 6/9, Iran đã một lần nữa giảm các cam kết của mình trong Thỏa thuận Hạt nhân. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng, nước cộng hòa Hồi giáo sẽ không còn tuân thủ các hạn chế về nghiên cứu hạt nhân để thiết lập các máy ly tâm làm giàu uranium.
Sau đó, IAEA cũng cho biết, Iran đang lắp đặt các máy li tâm mới khi tuyên bố giảm thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi tắt là JCPOA.
Vừa qua, IAEA, vốn đang giám sát thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới, đã kêu gọi Tehran tăng cường hợp tác và cảnh báo "thời gian là vấn đề cấp bách".
Trong khi IAEA từ chối bình luận về điều gì đã khiến cơ quan này đưa ra cảnh báo, thì giới ngoại giao cho Reuters biết rằng, các nhà điều tra các tìm thấy dấu vết của uranium ở một địa điểm ở Iran vốn đã được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu miêu tả là một địa điểm bí mật bên ngoài thành phố Abadeh phục vụ phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố của Mỹ tại phiên họp định kỳ hàng quý của Ban điều hành IAEA nêu rõ: “Bất cứ biểu hiện nào cho thấy Iran đang thiếu hợp tác với IAEA về một vấn đề liên quan nguyên liệu hạt nhân chưa được công bố hoặc các hoạt động gây nghi ngờ nghiêm trọng và sâu sắc... Iran đã thất bại trong việc giải quyết các quan ngại của IAEA về vấn đề này là hoàn toàn không thể chấp nhận được và nên được tất cả những ai ủng hộ IAEA và việc bảo vệ việc kiểm chứng chế độ này, quan ngại sâu sắc.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran "khả năng có các hoạt động hạt nhân không công khai".
Trên mạng xã hội Twitter, ông Pompeo đã viết: "Chính quyền Iran thiếu hợp tác đầy đủ với IAEA, đặt ra nghi vấn về các hoạt động hoặc cơ sở hạt nhân có thể không được công bố. Thế giới sẽ không bị đánh lừa về điều đó. Chúng tôi sẽ ngăn chặn chế độ này tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân".