Truyền thông khu vực thời gian qua đã đưa tin, bất chấp việc phía Nga đã bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân trên lãnh thổ Sudan, chính quyền nước này đã hủy thỏa thuận ký kết trước đó, từ chối cấp cho phép Moskva xây dựng một cơ sở quân sự tại Port Sudan (Cảng Sudan).
Theo tiết lộ, diễn biến trên có liên quan đến thỏa thuận mới về hợp tác quân sự giữa Sudan và Mỹ. Hãng tin Al-Arabiya nói thêm, hiện tại thỏa thuận giữa Nga và Sudan đã hoàn toàn chấm dứt hiệu lực, trong khi nước chủ nhà không nêu rõ lý do từ chối Moskva.
"Sudan đã thay đổi quan điểm với Nga sau chuyến thăm gần đây của phái đoàn Mỹ tới quốc gia châu Phi, Washington dường như đưa ra những điều khoản hợp tác có lợi hơn để đổi lấy việc hủy bỏ cho phép Nga xây dựng căn cứ hải quân".
Không chỉ có vậy, ngoài việc đưa ra lệnh cấm Nga tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự, chính quyền quốc gia châu Phi này còn cấm triển khai các tàu chiến của Nga trong lãnh hải, có nghĩa là tàu Nga không được phép quá cảnh qua vùng biển Sudan.
Nguồn tin của Al-Arabia cho biết, bộ chỉ huy quân đội Nga đã được triệu tập tới cơ quan chính quyền Sudan, và họ đã lên tiếng yêu cầu người Nga nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ quốc gia châu Phi này.
"Sudan đang tìm cách trục xuất các thiết bị của Nga được gửi đến Cảng Sudan để xây dựng căn cứ quân sự trong khu vực. Ngoài ra họ còn yêu cầu phía Nga rút toàn bộ vũ khí, radar và khí tài liên lạc đã được lắp đặt", tờ báo nói rõ.
Hiện tại một số tiếng nói trong chính phủ Sudan giải thích rằng thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Nga do những người tiền nhiệm ký và đã bị đình chỉ trong quá trình cơ quan lập pháp phê duyệt.
Giới chuyên gia gọi bước đi trên của chính quyền Sudan là một đòn nặng nề giáng vào tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực, và rõ ràng tác động từ phía Mỹ là rất rõ ràng.
Tưởng như Nga đã mất chỗ đứng tại châu Phi thì bất ngờ xuất hiện diễn biến mới, trong bối cảnh cuộc đảo chính, tại thủ đô của Mali đã diễn ra động thái đáng chú ý, đó là nhiều tiếng nói yêu cầu ký một thỏa thuận quân sự ngay lập tức với Nga.
Theo các chính trị gia tại Mali, hợp tác với Nga sẽ mang lại cho quốc gia Tây Phi sự bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ngược lại, Nga cũng đang cực kỳ quan tâm đến việc xây dựng căn cứ quân sự ở khu vực này, bởi vì điều đó giúp họ có thể kiểm soát một khu vực rộng lớn phía Tây của châu Phi, bao gồm cả Đại Tây Dương.
Một cuộc biểu tình ở Mali đã diễn ra không chỉ trước Đại sứ quán Nga mà còn ở nhiều khu vực khác của Mali, trong khi các phe phái địa phương lưu ý rằng ngày nay Nga là quốc gia duy nhất có thể mang lại trật tự cho đất nước châu Phi này.
Hiện tại Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về những yêu cầu như vậy, tuy nhiên rõ ràng là Moskva quan tâm đến hợp tác quân sự với Mali, đặc biệt khi Nga công khai kêu gọi bắt đầu đối thoại.
“Như đã thấy, phương Tây đã không đối phó được với tình hình mà chỉ làm trầm trọng thêm, trong khi Nga luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết và đây là thực tế đã được chứng minh ở Syria. Rõ ràng Moskva sẽ đưa ra câu trả lời chính thức trong những ngày tới”, tờ Al Arabia nhấn mạnh.
Theo một số giả thiết, Nga có thể sẽ nhanh chóng triển khai các căn cứ quân sự, hệ thống phòng không, cũng như máy bay chiến đấu trên lãnh thổ Mali, họ cần phải thật nhanh tay trước khi Mỹ có ý định can thiệp
Bạch Dương