Nga có thể duy trì xung đột ở Ukraine đến khi nào?
Nga có đủ năng lực sản xuất vũ khí để duy trì cuộc xung đột ở Ukraine thêm 'hai hoặc ba năm nữa', Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại Anh công bố báo cáo cho biết.
Xe tăng Nga di chuyển ở vùng Donetsk năm 2022.
IISS đánh giá Nga hứng chịu tổn thất đáng kể về xe tăng, xe bọc thép và pháo sau gần hai năm xung đột. "Nhưng số lượng vũ khí Nga vẫn ổn định do kích hoạt kho dự trữ cũng như tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước", IISS đánh giá.
Thông qua các ảnh chụp vệ tinh, IISS xác định Nga có ít nhất 12 căn cứ dự trữ pháo, 10 căn cứ xe tăng và 37 kho chứa thiết bị quân sự. Trong năm 2023, Moskva đã tái kích hoạt ít nhất 1.180-1.280 xe tăng chiến đấu chủ lực và khoảng 2.470 thiết giáp trong kho dự trữ, đồng thời tăng cường sản xuất nhiều khí tài hạng nặng để phục vụ chiến sự.
"Nga đủ năng lực để duy trì cuộc xung đột ở Ukraine thêm 2-3 năm với tốc độ tiêu hao vũ khí như hiện tại, thậm chí có thể lâu hơn nữa", báo cáo của IISS nhận định.
IISS đưa ra đánh giá trong bối cảnh Ukraine đã chuyển sang phòng thủ chiến lược với mục tiêu gây tổn thất lớn nhất có thể cho Nga. Ukraine cũng đang thiếu thốn đạn được và vũ khí trầm trọng do phương Tây suy giảm hỗ trợ.
Ukraine đã chuyển sang chiến lược đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong nước nhưng hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các cơ sở quốc phòng liên tục bị Nga tập kích.
"Phương Tây một lần nữa phải cân nhắc liệu có đẩy mạnh cung cấp vũ khí để Ukraine giành chiến thắng hay chỉ đảm bảo rằng Ukraine có thể duy trì xung đột", Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc IISS, nói hôm 13/2.
IISS đánh giá Ukraine vẫn duy trì số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực ở mức tương đương trước xung đột và có nhiều xe bọc thép hơn nhờ phương Tây hỗ trợ. Tuy nhiên, con số này là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trên tiền tuyến, đẫn đến việc một số đơn vị chiến đấu không đạt được năng lực cao nhất.
IISS ước tính Nga tổn thất 3.000 xe bọc thép chiến đấu trong năm qua. Nhưng Nga đã bù đắp bằng cách tái kích hoạt 1.200 xe tăng chủ lực và 2.500 xe bọc thép trong kho dự trữ. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga không ngừng sản xuất thêm vũ khí mới, tăng cường chi tiêu quốc phòng trong năm 2024.
“Nga đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2024 hơn 60% so với năm ngoái. Tổng chi tiêu quân sự hiện chiếm 1/3 ngân sách quốc gia và sẽ đạt khoảng 7,5% GDP. Điều này cho thấy Nga đang tập trung cho cuộc xung đột ở Ukraine", ông Giegerich nói.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cũng công bố báo cáo trong tuần này, đánh giá năng lực và mục tiêu quân sự của Nga.
"Nga vẫn muốn tập trung hoàn thành các mục tiêu ở Ukraine. Nga tin là họ đang chiếm ưu thế", Viện RUSI đánh giá. Báo cáo của Viện RUSI cho biết Nga sẽ tìm cách đạt được mục tiêu trong ba giai đoạn.
Nga sẽ tiếp tục gây áp lực dọc tiền tuyến nhằm tiêu hao đạn dược và nhân lực của Ukraine. Đồng thời, Nga sẽ tìm cách tác động để làm suy giảm ý chí của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine.
Một khi Ukraine cạn kiệt đạn dược, Nga sẽ phát động các đợt tiến công mới nhằm giành thêm ưu thế trên chiến trường, buộc "Kiev đàm phán theo điều kiện mà Moscow đưa ra".
Viện RUSI nhận định, Nga đang hướng tới việc hoàn thành mục tiêu ở Ukraine vào năm 2026. Theo Viện RUSI, phương Tây có thể ngăn chặn Nga hoàn thành mục tiêu bằng cách cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine
"Nếu Nga không giành thêm bước tiến vào năm 2025 thì mục tiêu đặt ra vào năm 2026 sẽ khó đạt được", Viện RUSI kết luận.