Nga có thể gửi thêm chuyên gia quân sự đến Venezuela nếu nhận được yêu cầu
Giám đốc Vụ châu Mỹ la-tinh của Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Shchetinin ngày 7-6 cho biết, Moscow có thể tăng số lượng chuyên gia quân sự ở Venezuela nếu nhận được đề nghị từ Caracas.
"Chúng tôi có các hợp đồng đã ký liên quan đến việc bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị mà chúng tôi đã cung cấp cho Venezuela. Bất kỳ công trình nào cũng cần một số lượng nhất định người tham gia. Nếu Caracas cần thêm chuyên gia, Moscow sẽ gửi họ đến đó", Giám đốc Vụ châu Mỹ la-tinh thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Shchetinin nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin cho biết, số chuyên gia quân sự Nga ở Venezuela chỉ còn vài chục người, giảm mạnh so với 1.000 người thời kỳ đỉnh cao.
"Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga, đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ huấn luyện và xúc tiến các hợp đồng vũ khí với quân đội Venezuela, gần đây đã cắt giảm số nhân viên ở quốc gia Nam Mỹ này xuống còn vài chục người. Trong thời kỳ cao điểm hợp tác giữa hai nước cách đây vài năm, Rostec đã cử khoảng 1.000 cố vấn quân sự tới hỗ trợ các binh sĩ Venezuela. Tuy nhiên, việc rút các chuyên gia này khỏi Caracas được thúc đẩy trong vài tháng qua, khi giữa hai nước không ký thêm hợp đồng mới, và chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro thừa nhận không đủ khả năng chi trả cho các nhân viên của Rostec tiếp tục hoạt động theo các hợp đồng trước đó", tờ WSJ của Mỹ ngày 2-6 đưa tin.
Ngay sau đó, đại sứ Nga tại Venezuela Vladimir Zaemsky lên tiếng bác bỏ thông tin trên.
"Đây là một 'tin tức' chẳng liên quan gì đến thực tế. Các công việc vẫn được tiến hành theo thỏa thuận có sẵn, không có đề xuất nào về việc cắt giảm nhân lực", ông Zaemsky khẳng định.
Quân đội Nga hồi cuối tháng 3-2019 triển khai hai máy bay quân sự chở theo gần 100 binh sĩ và 35 tấn hàng tới sân bay gần thủ đô Caracas của Venezuela.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi đó cho biết, các binh sĩ có mặt tại quốc gia Nam Mỹ này nhằm bảo dưỡng trang thiết bị quân sự, đồng thời khẳng định việc này phù hợp với hiến pháp của Venezuela.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại Venezuela tăng nhiệt sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự xưng là "tổng thống lâm thời" hồi tháng 1-2019 và được hơn 50 quốc gia công nhận, gồm chủ yếu là Mỹ và các đồng minh. Trong khi đó, Tổng thống dân biểu Nicolas Maduro vẫn nắm quyền lực nhờ ủng hộ của quân đội và các nước Nga, Trung Quốc, Cuba...