Nga có thực hiện thành công kế hoạch chế tạo 1.000 xe tăng vào năm 2028? - Kỳ cuối

Kế hoạch của Moskva (Moscow) nhằm chế tạo 1.000 xe tăng vào năm 2028 và 3.000 xe vào năm 2035 đang đối mặt với những trở ngại về kinh tế, công nghiệp và trừng phạt. Liệu ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga, vốn đang chịu áp lực chiến tranh, có thể hoàn thành mục tiêu này?

Những cản trở trong thực tế

Xe tăng T-90M của Liên bang Nga. Ảnh: Topwar.ru

Xe tăng T-90M của Liên bang Nga. Ảnh: Topwar.ru

Ngày nay, ngành công nghiệp xe tăng của Liên bang Nga, dù vẫn đáng gờm, nhưng hoạt động với quy mô nhỏ hơn nhiều, bị hạn chế bởi sự sụp đổ của hệ sinh thái công nghiệp Liên Xô và thực tế kinh tế.

Theo IISS, Uralvagonzavod vẫn là nhà sản xuất xe tăng duy nhất của Liên bang Nga, nhưng sản lượng chỉ bằng một phần của thời Liên Xô: mỗi năm chế tạo khoảng 200 - 250 xe tăng mới và tân trang 1.000 - 1.200 xe tăng.

Việc mất các cơ sở then chốt như nhà máy Kharkiv – nay thuộc Ukraine – và tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây đã làm suy giảm khả năng tiếp cận các linh kiện tiên tiến và lực lượng lao động lành nghề.

Theo chuyên gia cao cấp Dara Massicot tại Viện Carnegie, “công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga đang bị kéo căng đến giới hạn, phụ thuộc nặng nề vào kho dự trữ thời Liên Xô thay vì dây chuyền sản xuất mạnh mẽ như trước đây”.

Với chỉ 12.000 nhân viên tại Uralvagonzavod so với hơn 30.000 người trong thời Liên Xô và thiếu hụt linh kiện công nghệ cao, khả năng của Liên bang Nga tái lập sản lượng khổng lồ như thời Xô Viết chỉ còn là dĩ vãng, buộc nước này phải chuyển hướng sang hiện đại hóa thay vì sản xuất hàng loạt.

Để đạt mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực mới vào giữa năm 2028 và 3.000 xe vào giữa năm 2035, Liên bang Nga phải vượt qua những thách thức kinh tế và công nghiệp to lớn, vốn đang trầm trọng hơn do nền kinh tế căng thẳng và các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng siết chặt. Nền kinh tế Liên bang Nga, vốn phụ thuộc nặng vào xuất khẩu năng lượng, đang chịu áp lực lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và nguồn vốn kể từ sau khi triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Liên bang Nga dự báo đạt 2,8% vào năm 2025, nhưng con số này ẩn giấu những điểm yếu mang tính kết cấu, bao gồm chi tiêu quốc phòng chiếm tới 7,5% GDP, lấn át các lĩnh vực khác. Để mở rộng sản xuất, nhà máy Uralvagonzavod sẽ cần khoản đầu tư vốn lớn để mở rộng cơ sở vật chất và tăng lao động, hiện chỉ có 12.000 người so với hơn 30.000 người trong thời kỳ Liên Xô.

Bà Elina Ribakova, chuyên gia tại Viện Peterson, cho biết: “Ngành quốc phòng (Liên bang Nga) đang tiêu tốn tài nguyên với tốc độ không bền vững”, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của Liên bang Nga trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ mới mà không làm mất ổn định thêm nền kinh tế, khi mà lạm phát đang ở mức khoảng 8% và đồng ruble đã mất giá 20% so với đồng đô la Mỹ kể từ năm 2023. Điều này có thể buộc Liên bang Nga phải vay thêm hoặc cắt giảm ngân sách dân sự, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội khi mức sống giảm sút.

Ngoài các hạn chế tài chính, khả năng tiếp cận linh kiện tiên tiến của Liên bang Nga cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt nhắm vào công nghệ lưỡng dụng, như vi điện tử và máy móc chính xác. Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2024 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng khi nhắm vào các trung gian nước thứ ba ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – những nơi Liên bang Nga từng dựa vào để lách lệnh cấm.

Ví dụ, xuất khẩu chip bán dẫn quan trọng sang Liên bang Nga qua Kazakhstan đã tăng vọt 567% từ năm 2020 đến 2024, nhưng việc thực thi chặt chẽ hơn đang dần bịt các lỗ hổng này. Để đạt được mục tiêu sản xuất xe tăng, Liên bang Nga phải phát triển các phương án thay thế trong nước – quá trình có thể mất nhiều năm do tụt hậu công nghệ – hoặc thắt chặt quan hệ với các quốc gia không bị trừng phạt như Trung Quốc, quốc gia vẫn dè dặt trong việc hỗ trợ quân sự trực tiếp vì lo ngại bị áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp.

Từ năm 2024, Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) đã đưa ra báo cáo cảnh báo rằng: “Nền tảng công nghiệp của Liên bang Nga có khả năng phục hồi nhưng không tự cung tự cấp”.

Báo cáo nhấn mạnh sự thiếu hụt nghiêm trọng về máy móc công cụ hiện đại và lao động có tay nghề cao, do tình trạng chảy máu chất xám và lực lượng lao động già hóa.

Việc mở rộng sản xuất cũng sẽ đòi hỏi phải nâng cấp các thiết bị lỗi thời từ thời Liên Xô.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ước tính rằng Liên bang Nga cần đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào máy móc mới trước năm 2030 mới có thể đạt được thậm chí chỉ một nửa sản lượng dự kiến.

Về mặt chính trị, Điện Kremlin phải cân bằng giữa việc thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phục vụ chiến tranh với sự ổn định trong nước, bởi các ca làm kéo dài và làm thêm giờ bắt buộc tại các nhà máy như Uralvagonzavod đã bắt đầu gây ra sự bất mãn trong lực lượng lao động.

Cảnh báo của cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev vào năm 2022 về việc áp dụng các cáo buộc hình sự đối với những hợp đồng quốc phòng không hoàn thành đúng hạn cho thấy áp lực cực lớn mà các nhà lãnh đạo công nghiệp đang phải gánh chịu.

Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng sự bất mãn trong lực lượng lao động vốn đã mệt mỏi vì làm việc theo ca 12 giờ và bị hủy kỳ nghỉ.

Hơn nữa, theo RUSI, việc Liên bang Nga chuyển đổi nền kinh tế sang thời chiến đã khiến chi phí linh kiện quốc phòng tăng 30%, làm căng thẳng thêm ngân sách vốn đã nặng gánh bởi khoản nợ 1,5 tỷ USD của Uralvagonzavod từ trước chiến tranh.

Để thành công, Moskva sẽ cần hợp lý hóa quá trình mua sắm, có thể bằng cách quốc hữu hóa thêm nhiều bộ phận của ngành quốc phòng, đồng thời đảm bảo các chuỗi cung ứng ổn định thông qua quan hệ đối tác với các quốc gia như Triều Tiên hoặc Iran.

Nhưng phải thấy rằng năng lực công nghiệp hạn chế của các nước này, đặc biệt là việc Iran không sản xuất xe tăng, khó có thể đem lại sự hỗ trợ đáng kể cho Liên bang Nga.

Vì thế, khả năng của Moskva trong việc vượt qua những thách thức kinh tế, công nghệ và xã hội này sẽ quyết định liệu tham vọng sản xuất xe tăng của Liên bang Nga chỉ là một tuyên truyền chính trị hay có thể trở thành hiện thực.

Kế hoạch táo bạo của Liên bang Nga nhằm sản xuất hàng nghìn xe tăng mới vào năm 2035 phản ánh một ván cược chiến lược nhằm giành lại vị thế thống trị về lực lượng thiết giáp. Nhưng con đường phía trước đầy rẫy những khó khăn, thách thức giới hạn của một nền kinh tế đã kiệt quệ vì chiến tranh và ngành công nghiệp đang bị trừng phạt nặng nề bởi các lệnh cấm vận.

Dù di sản sản xuất quy mô lớn của Liên Xô vẫn là nguồn cảm hứng, nhưng thực tế hiện nay - sự tiếp cận công nghệ ngày càng hạn chế, lực lượng lao động bị co hẹp và áp lực tài chính ngày càng gia tăng - đòi hỏi Moskva phải tăng cường đổi mới và kiên cường.

Khi Điện Kremlin thúc đẩy ngành quốc phòng đến giới hạn, thành công của nỗ lực này sẽ phụ thuộc vào khả năng xây dựng các liên minh mới, đổi mới trong điều kiện hạn chế và duy trì ổn định trong nước.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nga-co-thuc-hien-thanh-cong-ke-hoach-che-tao-1000-xe-tang-vao-nam-2028-ky-cuoi-20250703215637826.htm