Các nước chạy nước rút đàm phán thuế quan với Mỹ trước hạn chót 9-7

Hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản hay Thái Lan nỗ lực đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng trước khi thời gian tạm hoãn áp thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 9-7 tới.

Những chiếc xe tải chở container vận chuyển chạy qua Cảng Oakland (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Những chiếc xe tải chở container vận chuyển chạy qua Cảng Oakland (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Trong ngày 3-7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira dự kiến sẽ có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Jamieson Greer để thảo luận việc giảm thuế quan từ mức 36% - theo tuyên bố của Tổng thống Trump vào hồi đầu tháng 4 - xuống mức thấp nhất có thể. Trước đó, Thái Lan đã đưa ra một số đề xuất và được cho là nhận được tín hiệu tích cực từ phía Mỹ. Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, ông Vuttikrai Leewiraphan tin tưởng rằng các đề xuất của Thái Lan sẽ gửi đi tín hiệu tích cực cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Ông đồng thời cho biết, tại vòng đàm phán lần này, không chỉ các đề xuất trước đây mà cả các đề xuất mới cũng sẽ được Phó Thủ tướng Pichai trình bày, thảo luận.

Đại diện Thương mại Thái Lan, bà Nalinee Taveesin nhận định rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đang tiến triển thuận lợi. "Mặc dù chưa rõ liệu việc hoãn áp thuế quan có được gia hạn hay không, chúng tôi vẫn có cơ hội nhờ các đề xuất chính thức mà Thái Lan đã đưa ra", bà Nalinee cho biết. Bà đồng thời nhấn mạnh rằng phía Mỹ đã đón nhận một cách tích cực các đề xuất của Thái Lan - những đề xuất đã tập trung vào lợi ích chung của cả hai quốc gia. Bà Nalinee cũng khẳng định hiện chưa có mối lo ngại đáng kể nào từ các doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan trước tác động của vấn đề thuế quan.

Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, ông Phot Aramwattananon cho rằng kết quả đàm phán thuế quan trước hạn chót 9-7 sẽ là chỉ báo có vai trò then chốt, đồng thời cần so sánh tương quan với các quốc gia khác trong khu vực như: Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Nếu đàm phán thất bại hoặc không được gia hạn từ Mỹ, mức thuế quan cao hơn sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất và chuỗi cung ứng của Thái Lan.

Với Ấn Độ, ông Trump từng đe dọa áp thuế tới 26% đối với hàng hóa nước này như một phần trong chính sách "Ngày Giải phóng" 2-4, nhưng mức thuế này tạm thời được hạ xuống 10% để tạo điều kiện cho quá trình đàm phán. Nguồn tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết một phái đoàn thương của New Delhi vẫn đang ở Washington sau khi đến Mỹ để bắt đầu đàm phán từ tuần trước. Tính đến ngày 2-7, các cuộc đàm phán thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ đã bước sang ngày thứ 6 tại thủ đô Washington. Trong các cuộc trao đổi, New Delhi tập trung thúc đẩy mở rộng quyền tiếp cận thị trường Mỹ cho các ngành hàng như dệt may, da giày, đá quý - đồ trang sức, nông sản và thủy sản. Theo một quan chức cấp cao, nếu không đạt được thỏa thuận, mức thuế bổ sung 26% đã được Mỹ tạm hoãn sẽ khôi phục trở lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Ấn Độ. Trong khi đó, phía Mỹ yêu cầu Ấn Độ nhượng bộ thuế trong các lĩnh vực "nhạy cảm" như nông nghiệp, sữa, xe điện, rượu vang và hóa dầu. Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực có tính chính trị cao và liên quan đến sinh kế của hàng triệu nông dân Ấn Độ. Ấn Độ cũng chưa từng mở cửa ngành sữa cho bất kỳ đối tác nào trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây.

Nguồn tin cũng tiết lộ rằng phái đoàn Ấn Độ có thể sẽ ở lại lâu hơn để hoàn tất thỏa thuận nhưng sẽ không nhượng bộ các vấn đề cốt lõi liên quan đến nông nghiệp và sữa, đồng thời khẳng định không thể chấp nhận việc hạ thuế đối với ngô, đậu nành, gạo và lúa mì biến đổi gen trồng tại Mỹ. Trong khi đó, một nguồn tin khác nói rằng chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi "không muốn bị coi là từ bỏ lợi ích của nông dân - một nhóm chính trị có ảnh hưởng lớn ở trong nước".

Tuy nhiên, Ấn Độ được cho là có thể sẵn sàng hạ thuế đối với các loại quả như óc chó, nam việt quất cùng một số loại trái cây khác, cũng như thiết bị y tế, ô-tô và các sản phẩm năng lượng từ Mỹ. Một nguồn thạo tin từ phía Mỹ cho biết, "có dấu hiệu cho thấy hai bên đã gần đạt được thỏa thuận" và các nhà đàm phán đã được yêu cầu chuẩn bị cho khả năng công bố thỏa thuận. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh quan điểm này vào hôm 1-7 khi cho rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận với Ấn Độ, qua đó cắt giảm thuế quan cho cả hai nước và giúp các công ty Mỹ cạnh tranh tại thị trường 1,4 tỷ dân của Ấn Độ.

Cùng lúc đó, ông Trump lại bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, nói rằng ông có thể áp mức thuế 30% hoặc 35% đối với hàng hóa từ Tokyo - cao hơn mức thuế 24% mà ông từng công bố vào ngày 2-4. Giới đầu tư và các nhà phân tích quốc tế cảnh báo không nên xem nhẹ các tuyên bố của ông Trump, dù vẫn hy vọng hai nước cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận nhất định. Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản không còn là ngoại lệ trong chiến lược thương mại gây áp lực của Tổng thống Trump. Cách tiếp cận "căng rồi mềm" nhằm đạt được nhượng bộ vào phút chót từng được ông áp dụng với Trung Quốc, và nay đang được sử dụng với Tokyo. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán thuế quan đối ứng, yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ thuế bổ sung đối với các ngành chiến lược như ô-tô, thép và nhôm. Với ngành công nghiệp ô tô đóng góp gần 10% GDP và tạo việc làm cho khoảng 8% lực lượng lao động, mức thuế cao lên đến 35% sẽ là cú đánh nặng nề với kinh tế Nhật Bản.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực duy trì hình ảnh thống nhất khi bước vào vòng đàm phán thương mại quan trọng với chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, bất đồng quan điểm giữa các quốc gia thành viên được cho là có thể làm suy yếu vị thế đàm phán chung của khối. Theo tờ Politico ngày 3-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa khẳng định không quốc gia nào trong EU mong muốn leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ. Thông điệp này cũng sẽ được Ủy viên Thương mại EU Maroe Sefcovic nhấn mạnh trong cuộc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào cuối tuần này. Đây được coi là cơ hội cuối cùng để hai bên đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 8-7 mà ông Trump đưa ra - nếu không, các đối tác sẽ đối mặt mức thuế "đối ứng" lên tới 50%. Mặc dù vậy, các nguồn tin ngoại giao cho biết nhiều quốc gia thành viên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mức thuế cơ bản 10% mà Mỹ đã áp dụng từ tháng 4. Một số quốc gia, trong đó có Đức và Italy, ủng hộ việc sớm đạt được thỏa thuận, kể cả khi phải nhượng bộ thêm để bảo vệ các ngành xuất khẩu quan trọng như ô-tô và hóa chất. Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha lại kêu gọi duy trì lập trường cứng rắn hơn với Washington, cho rằng không nên chấp nhận một thỏa thuận bất cân xứng chỉ để kịp thời hạn của Mỹ.

Sự chia rẽ nội bộ cũng ảnh hưởng đến khả năng triển khai các biện pháp đáp trả nếu đàm phán thất bại. Ủy ban châu Âu hiện đã chuẩn bị gói biện pháp trả đũa nhắm vào hàng xuất khẩu của Mỹ, với tổng giá trị lên tới 95 tỷ EUR (khoảng 102 tỷ USD). Tuy nhiên, nếu các quốc gia thành viên tiếp tục yêu cầu miễn trừ cho một số ngành kinh tế, quy mô tác động của các biện pháp này có thể bị thu hẹp đáng kể.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cac-nuoc-chay-nuoc-rut-dam-phan-thue-quan-voi-my-truoc-han-chot-9-7-post315585.html