Nga công nhận DPR và LPR: Anh ra đòn vào 5 ngân hàng, 3 tài phiệt Nga
Sau khi Nga công nhận DPR và LPR là hai quốc gia độc lập, Anh tuyên bố trừng phạt 5 ngân hàng và 3 trùm tài phiệt Nga.
Sáng ngày 23/2, theo giờ Moscow, Đại sứ quán Nga tại London bác bỏ đề nghị của Anh yêu cầu Nga rút quân khỏi hai khu vực, đồng thời cho rằng Moscow không điều quân vào các vùng lãnh thổ đó.
Đại sứ quán Nga cho biết, các nỗ lực ngoại giao trước đó của Anh nhằm mục đích ghi điểm về mặt chính trị chứ không phải để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, do đó, các lệnh trừng phạt của London chống lại Moscow sẽ được đưa ra trong mọi trường hợp.
Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin tuyên bố, Nga phản đối mạnh mẽ những biện pháp trừng phạt của Anh và coi đó là sự bất hợp pháp về mặt luật pháp quốc tế.
Trong một thông báo trên mạng xã hội, ông cho biết: “Trong vài tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng cuồng loạn các thông tin chống Nga trên các phương tiện truyền thông Anh, với mục đích định hình một nước Nga hiếu chiến trong mắt công chúng Anh và cộng đồng quốc tế”.
Ông cho rằng, chính phủ và truyền thông Anh đã phớt lờ hoàn cảnh của cư dân ở hai khu vực ly khai Lugansk và Donetsk, những người đang sống trong tình trạng bị phong tỏa hoàn toàn về giao thông và kinh tế, bị đình chỉ các khoản trợ cấp xã hội và lương hưu.
Được biết, chỉ một ngày sau khi Moscow tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nhà nước ly khai ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), Vương quốc Anh đã ban bố các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga.
Theo đó, Anh sẽ trừng phạt các thành viên của Quốc hội Nga, những người đã bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận DPR và LPR. Các biện pháp trừng phạt đó bổ sung cho một loạt các biện pháp trước đó Thủ tướng Anh đã công bố nhằm vào 5 ngân hàng Nga (Rossiya, IS Bank, GenBank, Promsvyazbank và Black Sea Bank) và 3 nhà tài phiệt, gồm Gennady Timchenko, Igor Rotenberg và Boris Rotenberg.
Sau sự kiện Nga công nhận độc độc lập của hai nhà nước ly khai ở miền đông Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) vào tối ngày 21/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã công bố hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga.
Ngày 23/2, Tổng thống Joe Biden công bố sẽ trừng phạt trừng phạt Promsvyazbank và ngân hàng VEB, cùng giới tinh hoa chính trị của nước này và các thành viên gia đình họ.
Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng cung cấp tài chính cho các hoạt động quân đội Nga tại Donbass.
Một trong những biện phát trừng phạt nặng nề nhất mà Nga phải gánh chịu là động thái tuyên bố dừng dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga đến phía đông châu Âu, bắt đầu từ Đức.
Tuyến đường ống dài 750 dặm đã được hoàn thành vào tháng 9 nhưng vẫn chưa nhận được chứng nhận cuối cùng từ các cơ quan quản lý của Đức. Nếu không được chứng nhận, Nga không thể đưa khí đốt tự nhiên sang Đức bằng 2 tuyến đường ống dẫn qua đáy Biển Baltic.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những biện pháp trừng phạt này sẽ như “một con dao hai lưỡi” gây tổn thất không chỉ đến nền kinh tế Nga mà còn nặng nề hơn đối với các nước châu Âu.
Nga và châu Âu có nhiều ràng buộc về kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và than đá, Moscow luôn là nhà cung cấp hàng đầu cho các nước EU. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng khí đốt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga phần nào sẽ khiến châu Âu chịu “tác dụng ngược”.