Nga đã cải thiện chiến thuật trong cuộc chiến ở Ukraine ra sao?
Sau những thất bại trong năm đầu của cuộc chiến, Nga đã thay đổi hàng loạt chiến thuật, bao gồm cách tác chiến UAV, không quân, lối phòng thủ,…
Sau khi thất bại trong mục tiêu giành chiến thắng chớp nhoáng ở Ukraine, để Ukraine chọc thủng phòng tuyến ở tỉnh Kharkiv vào năm ngoái, quân Nga dần thích nghi trên chiến trường và cải thiện chiến thuật, theo tờ The Wall Street Journal.
Nga đã dành nhiều tháng để chuẩn bị lực lượng phòng thủ đáng gờm chống lại cuộc phản công hiện nay của Ukraine ở phía nam. Kết quả, đà tiến quân của lực lượng Ukraine khá chậm trong vài tháng qua, khi Ukraine phải vật lộn với những bãi mìn dày đặc dưới chân, còn trên đầu thì trực thăng, tên lửa chống tăng và pháo binh của Nga liên tục nhắm mục tiêu.
Nga cải thiện chiến thuật không quân
Vào đầu cuộc chiến, máy bay chiến đấu của Nga đã bay vào sâu trong khu vực của lực lượng phòng không Ukraine và chịu tổn thất nghiêm trọng. Tướng James Hecker, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, dẫn ra con số thời điểm đó hơn 75 máy bay đã bị bắn rơi, trong đó có nhiều máy bay “đi thẳng vào khu vực can thiệp của tên lửa đất đối không Ukraine”.
Tuy nhiên, ông Hecker lưu ý rằng Không quân Nga hiện vẫn còn nguyên vẹn.
“Bây giờ máy bay Nga không bay vào những khu vực phòng không đó hoặc nếu có thì máy bay Nga sẽ bay ở độ cao thấp trong thời gian rất nhanh rồi quay trở lại” - theo ông Hecker. Tuy nhiên ông Hecker nhận định chiến thuật né tránh này có nhược điểm ảnh hưởng độ chính xác của việc ném bom.
Lực lượng Nga cũng đã bổ sung khả năng dẫn đường cho những quả bom cũ được thả ra từ các máy bay bay ngoài tầm phòng không Ukraine. Lực lượng Ukraine lại gặp khó khăn trong việc phát hiện và bắn hạ những quả bom này bằng máy bay thời Liên Xô.
Chuyển sở chỉ huy, kho đạn ra xa tiền tuyến
Nga cũng đã chuyển các sở chỉ huy và kho đạn ra xa tiền tuyến sau khi Ukraine tấn công các địa điểm này bằng cách sử dụng pháo phản lực bắn loạt cơ động cao HIMARS có tầm bắn gần 80 km và bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM tầm xa do phương Tây cung cấp, theo The Wall Street Journal.
Hiện Mỹ cho biết sẽ cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS cho Ukraine trong những tuần tới và sẽ cung cấp số lượng lớn sau đó. Nếu Ukraine có tên lửa này, có tầm bắn từ 160 km đến 305 km tùy mẫu, Ukraine có thể nhắm mục tiêu sâu hơn vào các tuyến hậu cần Nga chứ không chỉ dừng lại ở sở chỉ huy hay kho đạn.
Đầu cuộc chiến, Moscow đã triển khai các đội quân thiết giáp không được trang bị bảo vệ đầy đủ trong chiến đấu ra trận khiến hàng chục nghìn lính thiệt mạng. Giờ đây, lực lượng Nga đã được bảo vệ tốt hơn bằng cách xây dựng các chiến hào sâu và kiên cố. Lực lượng Nga giấu xe tăng và xe bọc thép của mình trong hàng cây và dưới lưới ngụy trang và bắn vào các vị trí của Ukraine.
Ông Oleksandr Solonko, binh nhì trong tiểu đoàn trinh sát trên không của Ukraine ở làng Robotyne (tỉnh Zaporizhia), gần các tuyến phòng thủ chính của Nga ở phía nam, cho biết: “Nếu chúng ta so sánh phòng thủ Nga với thời điểm bắt đầu cuộc chiến, thì sự khác biệt là rất lớn…Họ (Nga) đã rải mìn khắp các cánh đồng và đặt đủ loại bẫy. Họ đã làm rất tốt".
Nga tăng cường dùng UAV và tích cực chống UAV Ukraine
Ở miền nam, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) để ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine. UAV Lancet và các UAV tốc độ cao được trang bị chất nổ đã đâm vào xe bọc thép, xe tải sơ tán y tế và bộ binh của Ukraine, vô hiệu hóa các phương tiện cũng như gây thương vong cho lính Ukraine.
Ông Yury Bereza, chỉ huy Trung đoàn Dnipro-1 đang chiến đấu quanh TP Kreminna (tỉnh Luhansk), cho biết ông chứng kiến sự gia tăng rõ rệt trong việc sử dụng UAV của Nga. Trước đây ông chỉ thỉnh thoảng phát hiện UAV Orlan của Nga bay qua một trong các vị trí của trung đoàn ông để gửi tọa độ về cho các đơn vị pháo binh Nga, còn bây giờ cả đoàn UAV hoạt động liên tục trên đầu của đơn vị ông.
Ngành công nghiệp UAV của Ukraine đã phát triển đáng kể trong những tháng gần đây nhưng tổn thất vẫn rất lớn. Báo cáo gần đây của tổ chức tư vấn Viện Dịch vụ Hoàng gia Thống nhất có trụ sở tại London (Anh) ước tính rằng Ukraine mất khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, phần lớn do chiến tranh điện tử của Nga. Riêng ở tiền tuyến xung quanh TP Bakhmut (tỉnh Donetsk), Ukraine cho biết mình mất hàng chục UAV mỗi ngày do thiết bị gây nhiễu của Nga hạ gục.
Khắc chế UAV Ukraine dùng tấn công chiến đấu cơ của mình
Sau khi Ukraine bắt đầu dùng UAV để tấn công máy bay chiến đấu của Nga ở sâu bên trong lãnh thổ Nga, Moscow bắt đầu phân tán nhiều máy bay tới nhiều sân bay hơn và lắp lốp xe vào cánh và thân máy bay ném bom tại một số căn cứ của mình.
Bằng chứng là có ảnh chụp vệ tinh của công ty Maxar Technologies cho thấy Nga đã chất lốp xe trên máy bay ném bom Tu-95 tại căn cứ không quân Engels gần Saratov, phía tây nam nước Nga.
Ông Stephen Wood, giám đốc cấp cao của Maxar cho rằng việc đặt lốp xe, thùng và các vật liệu khác lên trên cánh và thân máy bay có thể là một nỗ lực nhằm gây nhầm lẫn với UAV và thay đổi hình ảnh mà UAV thu được.
Tướng Hecker - Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu - cho rằng động thái này có thể là nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ các máy bay khỏi bị UAV tấn công.
“Đó là bao cát của họ… Thay vì để UAV tạo ra một vết lõm trên máy bay, khiến máy bay không thể hoạt động được trong một thời gian, thì bằng cách làm này, UAV lại va vào một chiếc lốp” - Tướng Hecker nhận định.
Tăng sản xuất quốc phòng
Nga cũng đang duy trì, thích nghi và tăng cường sản xuất một số mặt hàng quốc phòng bất chấp lệnh trừng phạt.
Theo một quan chức quốc phòng phương Tây, phương Tây cho rằng Nga có thể sản xuất khoảng 100 xe tăng mỗi năm, nhưng sản lượng xe tăng thực tế hiện nay là gần 200 chiếc mỗi năm. Tuy nhiên, quan chức này cho rằng Nga đã mất hơn 2.000 xe tăng và sẽ phải mất một thập niên để bù đắp.
Quan chức quốc phòng này cho biết phương Tây cho rằng Nga có thể sản xuất khoảng một triệu quả đạn pháo mỗi năm. Tuy nhiên, bây giờ họ tin rằng trong vài năm tới, Nga đang trên đà sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm. Theo nhân vật này, Nga đã bắn 10 đến 11 triệu quả đạn pháo vào năm ngoái và đôi khi sử dụng những quả đạn pháo đã lỗi thời và dễ bị trục trặc.