Nga đang bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột ở Trung Đông?

Khi căng thẳng tại Trung Đông ngày càng leo thang, sự can dự của Nga vào khu vực này trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn.

Phái đoàn quân sự Nga và Iran trong một cuộc họp tại Tehran năm 2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Phái đoàn quân sự Nga và Iran trong một cuộc họp tại Tehran năm 2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bình luận trên trang web của Trung tâm Carnegie Nga và Á-Âu có trụ sở tại Berlin (Đức) mới đây, chuyên gia về Iran Nikita Smagin thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định khi Trung Đông ngày càng chìm sâu vào vòng xoáy xung đột, sự tham gia của Nga vào khu vực này ngày càng trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang kéo dài gần một năm qua với cường độ xung đột chưa từng thấy, Nga, vốn duy trì lập trường trung lập và duy trì liên lạc với tất cả các bên, nay lại đang ngày càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột do mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ với Iran.

Sự liên kết mới giữa Nga và Iran

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng hợp tác giữa Nga và Iran trong một sự thay đổi địa chính trị lớn. Trước đó, Nga từng nỗ lực duy trì vai trò trung lập ở Trung Đông, nhưng thực tế mới sau ngày 7/10 khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel dẫn đến phản ứng từ Tel Aviv với chiến dịch quân sự ở Gaza, đã khiến việc duy trì điều này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khi Mỹ và Nga ngày càng đối đầu trực diện, Moskva bắt đầu xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Iran, một đối thủ truyền thống của Mỹ và Israel trong khu vực.

Ông Smagin cho rằng, việc này đã gây ra sự lo ngại sâu sắc tại Mỹ và Israel, đặc biệt khi Nga thường xuyên đứng về phía Iran trong các tuyên bố chính thức. Trên chiến trường Syria, Nga và Iran đã hợp tác chặt chẽ để gây áp lực lên các lực lượng Mỹ. Máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động nguy hiểm gần nhau, trong khi các nhóm dân quân thân Iran tấn công các căn cứ của Mỹ trên mặt đất.

Mặc dù vậy, Nga vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ vai trò trung gian trước đây. Moskva vẫn duy trì các cuộc đàm phán với các cường quốc khác, bao gồm cả Israel, để tránh xung đột trực tiếp. Tuy nhiên, khi quan hệ với Iran ngày càng chặt chẽ, việc duy trì tính trung lập trở nên khó khăn hơn đối với Nga.

Nga và Iran hiện không có kế hoạch trở thành một liên minh quân sự đầy đủ, nhưng mối quan hệ này đã cho phép Nga tiếp cận thiết bị và công nghệ của Iran để sử dụng trên chiến trường ở Ukraine. Ngược lại, Moskva đang xem xét việc bán các thiết bị quân sự tiên tiến cho Tehran, bao gồm các trực thăng quân sự, máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không.

Vấn đề cấp bách nhất đối với Iran hiện tại là nâng cấp lực lượng không quân và hệ thống phòng không của mình. Đối thủ chính của họ, Israel, sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất trong khu vực và có thể dựa vào sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ. Với những lo ngại đó, Iran đã bắt đầu nhận các trực thăng tấn công Mi-28 và máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga.

Mặc dù quy mô của các đợt giao hàng này vẫn còn hạn chế do cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nếu tình hình chiến sự ở Ukraine lắng xuống hoặc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, Moskva sẽ có khả năng tự do xuất khẩu thêm thiết bị quân sự cho Tehran. Điều này có thể làm thay đổi cục diện an ninh khu vực, khiến Mỹ và Israel phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới.

Có thể nói, việc Nga cung cấp vũ khí cho Iran có thể không ngay lập tức thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng nó gửi đi một tín hiệu rõ ràng: Moskva đang ngày càng bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột Trung Đông, đặc biệt khi khả năng Iran nhận được thêm các hệ thống phòng không tiên tiến từ Nga ngày càng tăng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo carnegieendowment.org)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nga-dang-bi-keo-sau-hon-vao-cuoc-xung-dot-o-trung-dong-20240826174741976.htm