Nga đáp trả động thái phân biệt đối xử của FIFA

Liên đoàn bóng đá Nga (RFU) đã cảnh báo họ có thể theo đuổi hành động pháp lý chống lại Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) về quyết định gia hạn phán quyết cho phép các cầu thủ và huấn luyện viên người nước ngoài đơn phương đình chỉ hợp đồng tại các câu lạc bộ của nước này.

Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) đã công bố quyết định trên vào hôm 21/6, gia hạn chính sách ban đầu được đưa ra vào tháng 3 sau chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine. Theo quyết định này, các cầu thủ hoặc huấn luyện viên nước ngoài nào tại câu lạc bộ của Nga đều có thể đình chỉ hợp đồng đến ngày 30/6/2023 mà không sợ bị trừng phạt.

Phản ứng trong một tuyên bố chung hôm 24/6, RFU và giải ngoại hạng Nga cũng như các câu lạc bộ nước này lên án động thái của FIFA là "phân biệt đối xử" và gây tổn hại cơ bản cho môn thể thao này.

Nga đáp trả động thái 'phân biệt đối xử' của Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA), dọa kiện ra tòa. Ảnh: AFP

Trước đó, đội tuyển Nga (áo đỏ) bị cấm dự vòng loại World Cup 2022. Ảnh: AFP

Nhiều câu lạc bộ của Nga đã chứng kiến sự ra đi của các cầu thủ và thành viên ban huấn luyện nước ngoài kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine nổ ra. Ảnh: AFP

Chỉ trong tuần này, cựu ngôi sao Chelsea của Spartak Moscow, Victor Moses, được cho là sẽ không đến tập huấn trước mùa giải. Ảnh: SPARTAK MOSCOW

“FIFA đã nhiều lần tuyên bố rằng thể thao nên đứng ngoài chính trị, nhưng quan điểm của tổ chức rõ ràng mâu thuẫn với điều này. Chúng tôi tin rằng quyết định đình chỉ hợp đồng là trái với quy định của FIFA, mang tính phân biệt đối xử và nó được đưa ra nhằm vào một trong những thành viên của gia đình bóng đá mà không có lỗi của họ. Các đại diện của FIFA chưa bao giờ tổ chức bất kỳ cuộc tham vấn và thảo luận sơ bộ nào với chúng tôi”, RFU tuyên bố.

Bên cạnh đó, tổ chức đứng đầu bóng đá Nga cũng nhấn mạnh rằng: “Quyết định đã phá hủy hoàn toàn các nguyên tắc ổn định hợp đồng và tính toàn vẹn của giải đấu. Điều này dẫn đến việc các cầu thủ và HLV bóng đá có quyền không tôn trọng các nghĩa vụ hợp đồng. Ngoài ra, những câu hỏi về hậu quả kinh tế đối với các CLB bóng đá Nga hoàn toàn bị phớt lờ. Làm thế nào để đảm bảo kế hoạch dài hạn và ổn định tài chính trong tình huống mà ngay cả cầu thủ giá trị nhất cũng có thể rời đội mà không có bất kỳ khoản đến bù nào? Tiền lệ này là một dấu hiệu xấu cho toàn bộ ngành công nghiệp bóng đá”.

Thông điệp kêu gọi các câu lạc bộ bên ngoài Nga không lợi dụng tình hình bằng cách cố gắng chiêu dụ các ngôi sao nước ngoài rời khỏi nước này khi họ còn hợp đồng. “Chúng tôi muốn các bạn không lạm dụng các quyền do FIFA cấp, vì quyết định của họ mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của gia đình bóng đá. Trong tương lai, một tình huống tương tự có thể ảnh hưởng đến bất kỳ liên đoàn nào. Bóng đá không nên chia rẽ mà hãy đoàn kết mọi người ở mọi nơi trên toàn cầu. Quyết định này sẽ gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho nền công nghiệp bóng đá ở Nga. Chúng tôi có quyền đệ đơn lên tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình” - tuyên bố của RFU cho biết thêm.

Trước đó, nhiều câu lạc bộ của Nga đã chứng kiến sự ra đi của các cầu thủ và thành viên trong ban huấn luyện nước ngoài kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine nổ ra. Một số cầu thủ đã chấm dứt hợp đồng thông qua sự đồng ý của hai bên, mặc dù một số khác chứng kiến các cầu thủ ra đi dưới dạng cho mượn vào mùa giải trước khi họ tận dụng phán quyết ban đầu của FIFA vào tháng 3.

Bởi vậy, nếu RFU có hành động pháp lý chống lại FIFA, nó sẽ bổ sung thêm các trường hợp mà Nga đã chờ đợi để chống lại tổ chức đứng đầu bóng đá toàn cầu. RFU đang chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS) ở Thụy Sĩ về việc liệu lệnh cấm áp đặt đối với tất cả các CLB của Nga khỏi các giải đấu của FIFA và UEFA có hợp pháp hay không. Các quan chức Nga cũng cho biết họ đang đòi bồi thường cho quyết định của UEFA tước quyền tổ chức trận chung kết Champions League mùa trước của St.Petersburg.

L.T.Đ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-dap-tra-dong-thai-phan-biet-doi-xu-cua-fifa-post201116.html