Nga đạt mục đích ở Syria

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga nói rằng mỗi cuộc xung đột mà Moscow liên quan đều là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Mỹ

Người Nga đánh giá một trong những sự kiện quan trọng nhất năm 2017 đối với Moscow lẫn thế giới là chiến thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Diệt trừ IS

Theo nghiên cứu mới đây của công ty tư nhân Romir, 23% người Nga được hỏi đã nhận xét chiến dịch quân sự ở Syria là sự kiện năm 2017 của Nga, trong khi gần 1/3 ý kiến quan tâm đến ý nghĩa các sự kiện tại Syria đối với thế giới.

Sau khi tuyên bố chiến thắng, Tổng thống Vladimir Putin hôm 11-12-2017 đã ra lệnh rút các lực lượng Nga ra khỏi Syria trong bối cảnh Moscow thực hiện thành công các nhiệm vụ ở nước này, chính thức cũng như không chính thức. Theo ông Putin, đến nay, phiến quân IS đã không còn lãnh thổ.

"Tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng rút quân về các điểm đóng quân thường trực" - Tổng thống Nga tuyên bố khi đến thăm căn cứ không quân Hmeymim ở Syria.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã kéo dài hơn 2 năm kể từ ngày 30-9-2015, khi Hội đồng Liên bang phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Putin về việc sử dụng các lực lượng vũ trang ở Syria.

Trong 2 năm chống khủng bố ở Syria, máy bay của không quân Nga đã thực hiện hơn 30.000 phi vụ, tiêu diệt được hơn 96.000 đối tượng IS và 1.500 đơn vị kỹ thuật quân sự. Theo Bộ Quốc phòng Nga, gần như tất cả lãnh thổ Syria đã được giải phóng. Đến nay, hơn 1 triệu người Syria đã trở về nhà.

Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev (giữa) và Đại tướng Surovikin, Tư lệnh Các lực lượng Nga ở Syria, tại lễ tưởng thưởng quân nhân Nga phục vụ ở Syria hôm 28-12-2017 Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin RIA Novosti, vào thời điểm này, tổng kết 2 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria không có nghĩa là công bố số lượng phi vụ và số phiến quân IS bị tiêu diệt, mà cần phải đánh giá các mục đích đặt ra có đạt được hay không.

Chuyên gia khoa học chính trị Gevorg Mirzayan nhận định: "Nếu như chọn 3 mục đích chính thức ở Syria thì người Nga đều đạt được tất cả".

Mục đích thứ nhất là cuộc chiến chống IS. Về bản chất, IS là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thời hiện đại. Khác với al-Qaeda, IS có thể thành lập vương quốc riêng với nguồn thu nhập cơ bản từ ngay lãnh thổ chúng kiểm soát, chứ không phải từ nước ngoài. IS cũng có khả năng xây dựng chương trình tuyên truyền hiệu quả đến mức khích lệ phiến quân tổ chức một loạt vụ khủng bố ở châu Âu.

Nga đã hoàn thành nhiệm vụ diệt trừ IS ở Syria. Từng chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, nay tổ chức khủng bố này chỉ còn lại một mẩu đất sa mạc nhỏ bé mà sắp tới, nhiều khả năng sẽ bị quân đội Syria giành lại.

Giới phân tích Nga cho rằng Moscow đã thực hiện nhiệm vụ này thành công hơn gấp nhiều lần so với người Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda từ năm 2014.

Cạnh tranh với Mỹ

Mục đích thứ hai của Nga là cứu nhà nước Syria. Điện Kremlin đã nhiều lần xác định không phải Nga cứu Tổng thống Bashar al-Assad mà là nhà nước Syria. Qua đó, Nga muốn chứng tỏ với các nước Ả Rập cũng như phương Tây rằng Điện Kremlin kiên quyết chống lại hành động lật đổ chính quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền từ "cách mạng màu" hay "mùa xuân". Hơn nữa, Nga có khả năng làm điều đó.

Nga cũng bảo vệ được quyền quốc tế, đồng thời thể hiện cho Mỹ thấy những giới hạn về khả năng của họ trong việc gây bất ổn hệ thống thế giới. Kết quả là ngày nay, Nga được các quốc gia trong khu vực (Ai Cập, Ả Rập Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran) xem như một thế lực bảo đảm an ninh có hiệu quả - khác với Mỹ - và không hề ngạo mạn.

Cuối cùng, mục đích thứ ba là bảo vệ chính nước Nga. Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga đã hơn một lần tuyên bố rằng ở Syria, họ chiến đấu chống lại cả bọn khủng bố có nguồn gốc từ Nga cũng như xuất thân từ các nước Trung Á.

Thế nhưng, vào thời điểm này, mục đích trên chưa đạt được một cách trọn vẹn. Có đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn phiến quân bị không quân Nga dồn vào sa mạc Syria. Tuy vậy, một bộ phận phiến quân này đã kịp trốn thoát. Theo một số dữ liệu, những phần tử này đã về quê nhà qua ngả Afghanistan.

Trong khi đó, người Mỹ cũng cố tuyên bố rằng chính họ chiến thắng IS bởi các lực lượng thân Mỹ đã giành lại được cả hai "thủ phủ" của IS là Mosul và Raqqa ở Syria.

Gần đây, khi công khai mổ xẻ kinh nghiệm chiến dịch của Nga ở Syria, Tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, đã thừa nhận các ưu tiên quân sự ở Syria. Theo ông, Moscow nhận thức rõ rằng mỗi cuộc xung đột mà Nga liên quan đều là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Mỹ.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Komsomolskaya Pravda, Tướng Gerasimov đã tìm cách chứng minh cho tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Nga đã đánh bại IS. Dĩ nhiên, tuyên bố đó mâu thuẫn với khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump (công nhận chiến thắng ở Syria là của ông) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (quả quyết trong hồi ký rằng Nga chỉ là "kẻ phá hỏng" chiến lược mang tính quyết định mà ông đã nghĩ ra từ trước).

Mặc dù cả Nga lẫn Mỹ đều không thể công bố chiến thắng hoàn toàn, bản đồ hiện nay của Syria nghiêng theo phiên bản Nga. Theo đó, chế độ Assad nắm quyền kiểm soát hầu hết đất nước Syria - một thành tựu kỳ diệu so với mùa hè 2015, khi họ chỉ nắm giữ được 10% lãnh thổ.

Có điều, đối với Nga, cuộc chiến ở Syria rõ ràng vẫn chưa kết thúc!

43 quân nhân Nga tử nạn

Theo báo Kommesant hôm 3-1, Nga vừa chính thức công nhận 43 quân nhân đã tử nạn trong chiến dịch quân sự ở Syria. Ngoài 2 phi công chiếc trực thăng Mi-24 bị bắn rơi cuối năm 2017 khi đang bay đến sân bay quân sự Hama, danh tính 41 quân nhân tử vong trước đó đều được công khai.

Trong đó, đáng chú ý là cái chết của Trung tướng Valery Asapov - 51 tuổi, Phó Tư lệnh Quân đoàn 5 Sao Đỏ thuộc Quân khu Miền Đông - sau vụ tấn công TP Deir ez-Zor ở Đông Syria hôm 23-9-2017. Lúc ấy, ông có mặt để hỗ trợ các sĩ quan quân đội Syria chỉ huy chiến dịch giải phóng TP Deir ez-Zor.

Kỳ tới: Thử nghiệm 200 mẫu vũ khí

NGÔ SINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-dat-muc-dich-o-syria-20180110214403503.htm