Nga đặt nghi vấn về động thái của Anh trong vụ đầu độc cựu điệp viên
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Nga phủ nhận liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh, đồng thời đặt ra nghi vấn về động thái của London trong vụ việc.
Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) do Anh kêu gọi, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho biết, sau “tối hậu thư” 24h của Thủ tướng Anh Theresa May, Moscow đã yêu cầu một cuộc họp mở tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhằm mục đích minh bạch mọi việc.
Ông Nebenzya gọi những cáo buộc của các chính khách Anh về vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc chống lại Nga là “những tuyên bố hoàn toàn vô trách nhiệm” và “đe dọa đối với một thành viên thường trực của UNSC”. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có cái nhìn xa, khách quan hơn; đồng thời khẳng định Moscow không liên quan đến vụ việc.
Bên cạnh đó, ông Nebenzya đặt câu hỏi, tại sao Anh lại đưa vụ án ra UNSC, thay vì làm theo thủ tục là tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ở The Hague, Hà Lan.
Nhà ngoại giao cáo buộc, lý do thực sự khiến Anh bỏ qua thủ tục là do lo sợ “các chuyên gia thực sự” ở The Hague sẽ không bị thuyết phục bởi những bằng chứng mà London đưa ra.
“Chúng tôi đã yêu cầu lấy mẫu chất trong vụ án để hỗ trợ điều tra. Nhưng yêu cầu này bị ngó lơ”, ông nói thêm.
Để bào chữa cho chính quyền Moscow, ông Nebenzya lập luận, Nga đang gần kề với các sự kiện quan trọng, cụ thể là bầu cử tổng thống và World Cup, không lý do gì họ gây ra điều bất lợi cho hình ảnh quốc gia trong thời điểm nhạy cảm này.
Trong khi đó, ông Nebenzya nhấn mạnh, một số lượng lớn các quốc gia mà ông từ chối nêu tên được hưởng lợi từ những cáo buộc chống lại Nga.
Ông lưu ý, Sergei Skripal (66 tuổi) đã được “ân xá”, không còn là mối đe dọa đối với Nga, nhưng lại là “nạn nhân hoàn hảo để biện minh cho lời nói dối không thể tưởng tượng được, bất kỳ những lời trái sự thật khiến Nga bị ô uế”.
Sau các lập luận, ông Nebenzya kêu gọi các đồng nghiệp trong UNSC mang tinh thần của thám tử Sherlock Holmes, suy nghĩ nghiêm túc về vụ việc, về bằng chứng và về các cáo buộc tiếp theo.
Ông nhấn mạnh, Moscow muốn bằng chứng hữu hình về dấu hiệu chất độc thần kinh đầu độc cha con ông Skripal đến từ Nga, không chỉ là những tuyên bố đơn phương của Anh.
Nhà ngoại giao lưu ý thêm, nhiều quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trước đây đã tiến hành các chương trình phát triển chất độc thần kinh kiểu VX, trong khi chương trình tương tự của Liên Xô đã chấm dứt vào năm 1992. Ông khẳng định, năm 2017, Liên bang Nga đã hoàn thành việc tiêu hủy tất cả các kho dự trữ hiện có theo hướng dẫn của OPCW, nhưng đến nay Mỹ không loại bỏ kho hóa chất của họ.