Nga đẩy mạnh tấn công bằng tên lửa và UAV, Ukraine sắp nhận loạt vũ khí phòng không tối tân

Gần đây, Nga liên tục nã tên lửa và sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công nhiều khu vực khác nhau của Ukraine, gây thiệt hại lớn, nhất là với hạ tầng năng lượng. Để hỗ trợ, phương Tây có kế hoạch cung cấp cho Kiev một số loại vũ khí phòng không, bao gồm 'lá chắn thép' Patriot.

Ukraine tuyên bố cần các hệ thống phòng không tân tiến hơn để chống lại các vụ tấn công bằng tên lửa của Nga. Ảnh: Getty Images

Ukraine tuyên bố cần các hệ thống phòng không tân tiến hơn để chống lại các vụ tấn công bằng tên lửa của Nga. Ảnh: Getty Images

Nổi bật trong số vũ khí phòng không hiện đại mà Ukraine sắp sửa tiếp nhận từ phương Tây phải kể đến hệ thống tên lửa tầm trung Hawk, hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và thiết bị điện tử tiên tiến JDAM có thể chuyển đổi rocket thành bom thông minh.

Điểm mặt các vũ khí “sát thủ” mới

Theo hãng tin Reuters (Anh), Washington có thể chuyển giao một số hệ thống tên phòng không MIM-23 Hawk để giúp Kiev tăng cường khả năng phòng không chống lại các tên lửa của Nga. Hệ thống tên lửa MIM-23 Hawk được đưa vào biên chế từ những năm 1960 và sau đó đã được nâng cấp nhiều lần.

Hệ thống Hawk là một vũ khí phòng không tầm trung di động có khả năng chống tên lửa, do Tập đoàn vũ khí khổng lồ Raytheon của Mỹ sản xuất. Lục quân Mỹ đã thay thế Hawk bằng hệ thống MIM-104 Patriot tiên tiến hơn vào những năm 1990. Đến năm 2000, Thủy quân lục chiến - đơn vị cuối cùng sử dụng loại vũ khí này - đã loại biên chúng để chuyển sang sử dụng tên lửa FIM-92 Stinger di động.

Reuters cho biết Hawk sẽ là bản nâng cấp của hệ thống tên lửa Stinger mà Kiev đã nhận được với số lượng lớn từ các nhà tài trợ phương Tây trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nhiều phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc đang hoàn thiện các kế hoạch gửi các hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot, vốn được mệnh danh là “lá chắn thép” của quân đội Mỹ, tới Ukraine. Quân đội Mỹ từng giới thiệu Patriot là hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa dẫn đường hàng đầu của nước này. Loại vũ khí này được biên chế từ những năm 1980 và kể từ đó đã được chuyển giao cho hơn 10 đồng minh của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Patriot được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không - từ máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và hành trình, đến máy bay chiến đấu và trực thăng. Phạm vi hoạt động của chúng thay đổi linh hoạt - từ 90 km đối với PAC-1, 160 km đối với PAC-2, và từ 30 - 60 km đối với PAC-3/PAC-3MSE. Các tên lửa có độ cao triệt hạ mục tiêu tối đa hơn 24 km và hoạt động ở tốc độ từ Mach 2,8 đến Mach 4, đủ để đánh chặn hầu hết mọi vật thể trên lý thuyết.

Ngoài ra, Washington còn đang cân nhắc gửi cho Ukraine thiết bị điện tử tiên tiến JDAM để có thể chuyển đổi rocket thành “bom thông minh” nhắm mục tiêu chính xác vào các vị trí quân sự của Nga. Bộ điều khiển Tấn công Trực diện Phối hợp (JDAM) có khả năng sử dụng dữ liệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để giúp vũ khí đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao.

Bộ điều khiển JDAM sử dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có khả năng ném bom tự động. Công nghệ JDAM cũng cho phép bom chống lại nguy cơ làm nhiễu GPS bằng kỹ thuật cao của đối phương. Thông thường, quân đội Mỹ hay sử dụng công nghệ JDAM đối với những quả bom nặng tới 900 kg, kết hợp nó với máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.

Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Tính đến nay, Chính phủ Ukraine đã nhận được vũ khí tiếp viện từ trên 30 quốc gia. Vậy những đất nước nào đang cung cấp nhiều khí tài nhất cho Kiev?

Theo BBC, xét về tổng chi tiêu cho hỗ trợ quân sự trực tiếp kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2, Mỹ đã cam kết gửi số vũ khí trị giá 18,5 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào khác. Đức, Anh và Ba Lan lần lượt xếp sau.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết chi phí quốc phòng hàng tháng của quốc gia này là khoảng 5 tỷ USD và liên tục kêu gọi phương Tây tài trợ nhiều hơn.

Các chuyên gia quân sự cho biết thành công trên chiến trường Ukraine đòi hỏi nhiều loại vũ khí hiện đại, kết hợp với khâu huấn luyện binh sĩ, cũng như cung cấp kịp thời phụ tùng thay thế và một số hỗ trợ khác.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, khẳng định: "Không có hệ thống vũ khí nào là giải pháp hữu hiệu". Tuy nhiên, một số hệ thống vũ khí vẫn chứng minh được vai trò quan trọng trong cuộc xung đột này tính đến nay.

Vũ khí phòng không

Các hệ thống tên lửa đất đối không của phương Tây đã cho thấy hiệu quả cao trước các vụ tấn công của Nga. Kiev phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống phòng không S-300 thời Liên Xô cũ, với tầm bắn khoảng 90 km.

Trước khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2, Ukraine có khoảng 250 hệ thống S-300 và nỗ lực bổ sung các hệ thống này bằng bằng nguồn dự trữ từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác, trong đó có Slovakia.

Mỹ gần đây đã gửi một hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, được gọi là NASAMS, tới Ukraine. Anh đã cung cấp một số hệ thống phòng không cho Ukraine, trong đó có Starstreak, được thiết kế để bắn hạ máy bay bay tầm thấp ở cự ly ngắn. Đức cũng đã gửi nhiều loại vũ khí phòng không, trong đó có hệ thống IRIS-T có thể tấn công các tên lửa đang tiếp cận ở độ cao lên tới 20 km.

Tên lửa tầm xa

Giới chuyên gia cho rằng Ukraine rất cần nguồn cung cấp pháo và đạn dược tốt hơn để giữ vững các vị trí chiến lược. Cho đến nay, Mỹ đã gửi ít nhất một chục bệ phóng tên lửa tầm xa tới Ukraine. Một số nước châu Âu cũng tiến hành động thái tương tự.

Hệ thống phóng loạt rocket cơ động cao M142 hay HIMARS của Mỹ có tầm bắn thay đổi được tùy theo loại đạn được sử dụng. Giới quan sát tin rằng các nhà tài trợ phương Tây đã không cung cấp cho Ukraine loại đạn có tầm bắn xa nhất, mà chỉ dừng lại ở mức 80km đủ để xa hơn hệ thống Smerch của phía Nga. HIMARS cũng có độ chính xác cao hơn nhiều so với các hệ thống tương đương của Nga.

Lựu pháo

Đầu tháng 7, Australia, Canada và Mỹ cũng đã gửi hơn 100 khẩu pháo M777 và 300.000 viên đạn 155mm tới Ukraine.

Tầm bắn của M777 tương đương với lựu pháo Giatsint-B của Nga và xa hơn nhiều so với pháo kéo D-30 của Nga.

Loại pháo do Ukraine thiết kế riêng sử dụng đạn pháo 152mm. Nhưng khi nguồn dự trữ cạn kiệt, Ukraine đang chuyển sang sử dụng loại đạn 155mm của NATO.

Việc khơi phục nguồn cung cấp đạn dược của Ukraine được xác định là rất phức tạp. Các báo cáo cho thấy các lực lượng Ukraine đang bị thiếu hụt đạn dược trầm trọng ở một số khu vực.

Vũ khí chống tăng

Ukraine đã nhận được ít nhất 5.000 vũ khí vác vai Nlaw, được thiết kế để tiêu diệt xe tăng chỉ với một phát bắn. Vũ khí chống tăng được cho là đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn bước tiến của lực lượng Nga vào Kiev.

Theo ông Justin Bronk của Viện Dịch vụ Hoàng gia, Nlaw đã góp phần để Kiev đẩy lui các cuộc tấn công trên bộ của Nga trong giai đoạn đầu xung đột.

Xe tăng

Ukraine đã nhận được trên 230 xe tăng từ Ba Lan và Cộng hòa Séc. Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã sử dụng T-72 trong nhiều thập kỷ nên có khả năng bảo trì và thay thế phụ tùng. Sau khi tặng xe tăng cũ, Ba Lan đã được các đồng minh gửi vũ khí thay thế.

Máy bay không người lái

Cho đến nay, máy bay không người lái là một phần không thể thiếu trong cuộc xung đột này, với nhiều chiếc được sử dụng cho mục tiêu giám sát, phát hiện mục tiêu và thực hiện các hoạt động vận chuyển hạng nặng.

Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán máy bay không người lái được trang bị vũ khí Bayraktar TB2 cho Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng những chiếc Bayraktar TB2 đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Nó bay ở độ cao khoảng 7.600m trước khi hạ độ cao để tấn công các mục tiêu của Nga bằng bom dẫn đường laser. Chúng được cho là đã phá hủy nhiều máy bay trực thăng, tàu hải quân và hệ thống tên lửa của Nga.

Đức Trí/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nga-day-manh-tan-cong-bang-ten-lua-va-uav-ukraine-sap-nhan-loat-vu-khi-phong-khong-toi-tan-20221216170400352.htm