Nga đẩy mạnh tấn công chặn đường tiếp tế vũ khí cho Ukraine trước trận chiến Donbas
'Cuộc chiến giành Donbas sẽ thắng thua chủ yếu phụ thuộc vào công tác hậu cần', đó là lý do các lực lượng Nga đang đẩy mạnh tấn công chặn các đường tiếp tế vũ khí từ phương Tây cho Ukraine.
Trang Politico cho biết, Nga đang thực hiện mạnh mẽ tuyên bố tấn công các vị trí vận chuyển vũ khí của Mỹ và đồng minh cho Ukraine cũng như các kho nhiên liệu của nước này. Hôm 25/4 vừa qua, Nga đã phóng tên lửa vào 5 cơ sở đường sắt được sử dụng để vận chuyển các nguồn tiếp tế quan trọng cho Kiev khi cuộc xung đột đang chuyển mạnh sang mặt trận Donbas.
Các cuộc tấn công của Nga trên khắp miền tây và miền trung Ukraine nhằm vào các đường tiếp tế và cơ sở hạ tầng diễn ra khi các hệ thống pháo hạng nặng, xe tăng và xe bọc thép trị giá hàng tỷ USD của phương Tây bắt đầu xuất hiện để giúp Ukraine đối mặt với cuộc tấn công quy mô lớn của Nga ở Donbas.
Hôm 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Ukraine tại Kyiv (Kiev), nơi họ đã cam kết viện trợ quân sự thêm hàng trăm triệu USD cho cuộc chiến sắp tới.
Phát biểu cùng ngày với báo giới tại Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu… Thành thật mà nói, họ đã mất rất nhiều năng lực quân sự và nhiều binh lính, và chúng tôi muốn thấy rằng họ không có khả năng tái tạo nhanh khả năng đó.”
Trong hai tuần qua, Lầu Năm Góc đã bắt kịp tốc độ vận chuyển nhanh tới chiến trường, gấp rút cung cấp vũ khí hạng nặng trị giá hơn 1 tỷ USD và các khoản viện trợ khác cho Kiev bằng đường biển và đường hàng không. Hôm 21/4, Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gói vũ khí mới trị giá 800 triệu USD, bao gồm 72 pháo cỡ nòng 155 ly. Và ngày 23/4, những khẩu lựu pháo đó đã xuất hiện tại Ukraine – theo thông báo của Bộ trưởng Austin. “Đó là một tốc độ không thể tưởng tượng nổi”, ông Austin nói.
Theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết vào tuần trước, kể từ tháng 8/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine đủ pháo để trang bị cho 5 tiểu đoàn phục vụ cho chiến trường Donbas. Quân đội Mỹ cũng đã bắt đầu huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng các thiết bị vũ khí mới ở bên ngoài lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên các chuyên gia và cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng, trong giai đoạn mới của cuộc xung đột, việc bảo vệ các tuyến đường hậu cần quan trọng sẽ là then chốt.
Mick Mulroy, một cựu quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc, một cựu sĩ quan thủy quân lục chiến và quan chức CIA đã nghỉ hưu, nhận định: “Cuộc chiến giành Donbas sẽ chủ yếu dựa vào hậu cần: vũ khí, thiết bị và đạn dược. Phải có các đường cung cấp liên tục từ Mỹ và NATO”.
Những đường cung cấp đó đã bị Nga đe dọa ngăn chặn kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào 24/2, mặc dù đến nay Moskva vẫn chưa thừa nhận công khai rằng họ đã hành động theo những cảnh báo đó.
Hiện tại, cả Nga và Ukraine đều đang gấp rút tìm kiếm nguồn lực, đổ tới vùng Donbas ở phía đông Ukraine. Giới chức phương Tây thì gây sức ép đòi chính phủ cung cấp thêm viện trợ cho Kiev trước cuộc chiến được dự báo sẽ khốc liệt và kéo dài ở chiến trường này.
Ông Dmitry Gorenburg, một chuyên gia về Nga tại viện nghiên cứu phi lợi nhuận CNA, nhận xét Ukraine đang tiếp nhận “rất nhiều thiết bị mới của phương Tây, có thể nhiều hơn những thiết bị mà người Nga có thể chuyển vào nước này, vì vậy sự mất cân bằng về trang thiết bị mà chúng ta đã thấy trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đang bắt đầu được cân bằng”.
Việc di chuyển xe tăng và pháo lớn qua biên giới Ba Lan một cách kín đáo, không gây chú ý với Nga sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc chuyển những xe tải chở tên lửa Javelin và Stinger nhỏ hơn, vốn chiếm ưu thế trong những lô hàng viện trợ ở giai đoạn đầu cuộc chiến.
Tuy nhiên, việc tấn công những lô hàng mới, lớn hơn này, nếu chúng được chuyển bằng cả đường sắt và đường bộ, có thể gây khó khăn cho Nga về lâu dài. Các phi công của Nga vẫn đang thận trọng với việc “thử nghiệm” hệ thống phòng không của Ukraine, và Điện Kremlin có thể sẽ cần phải “tiết kiệm” một số vũ khí chính xác tầm xa của mình.
Và theo ông Mulroy, cho đến nay, Nga đã không hành động hiệu quả trong việc làm gián đoạn các đường tiếp tế, chủ yếu là do họ “không giỏi trong việc xác định mục tiêu động” - tức một vật thể chuyển động chứ không phải một mục tiêu đứng yên như một tòa nhà.
Các cuộc giao tranh trong những ngày và tuần tới có thể sẽ khác với các cuộc đụng độ nhỏ kiểu chiến tranh đô thị ở giai đoạn đầu, khi các loại đạn chống thiết giáp của Ukraine đánh bật các cuộc tấn công của Nga xung quanh thủ đô Kiev.
Cuộc chiến ở Donbas sẽ chứng kiếnsự đụng độ của lực lượng pháo binh tầm xa hơn. Và 90 khẩu pháo do Mỹ cung cấp, cùng với lô pháo mới viện trợ của Canada và hệ thống pháo di động Caesar 155 ly của Pháp sẽ mang đến cho lực lượng Ukraine khả năng đối đầu với năng tầm xa của Nga.
Thêm vào dòng vũ khí thiết giáp, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 25/4 xác nhận Warsaw đã gửi xe tăng T-72 đến Ukraine, theo bước Cộng hòa Séc.
Trong khi các cuộc tấn công tầm xa của Nga vào miền tây Ukraine đang mở rộng khu vực xung đột, các máy bay trực thăng của Ukraine hồi tháng trước cũng đã tiến hành một hoạt động mạo hiểm vào Nga, như tấn công một kho dầu ở Belgorod, gần biên giới. Mới đây nhất, đêm 24/4, một số vụ nổ đã làm rung chuyển hai cơ sở chứa dầu ở thành phố Bryansk của Nga, gần biên giới Ukraine.
Video kho dầu Nga ở Byansk cháy nổ ngùn ngụt, nghi do bị Ukraine tấn công (Nguồn: The Sun)
Khi cuộc chiến giành giật Donbas đang hội tụ sức mạnh, tình báo Anh đánh giá rằng Nga đã đạt được những bước tiến nhỏ ở phía đông Ukraine trong những ngày gần đây và “nếu không có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ hậu cần và chiến đấu, Nga vẫn chưa đạt được bước đột phá đáng kể” - theo tùy viên quốc phòng Anh Mick Smeath cho biết hôm 25/4.
Anh cũng sẽ gửi cho Ukraine một số lượng nhỏ xe bọc thép Stormer được trang bị bệ phóng tên lửa phòng không. Đây là lô hàng bổ sung cho lô xe tăng Challenger 2 mà Thủ tướng Boris Johnson đã công bố hôm 22/4.