Nga điều tiết giao thông đến bán đảo Crimea đi qua vùng Donbass
Theo giới chức Nga, do cầu Crimea đang gặp 'sự cố khẩn cấp', giao thông đến bán đảo sẽ được điều tiết một phần qua vùng Donbass (miền Đông Ukraine).
Ngày 17/7, Sputnik dẫn thông báo của Bộ giao thông vận tải Nga cho biết, cầu Crimea đã tạm ngừng hoạt động sau một “sự cố khẩn cấp”, đồng thời hướng dẫn người dân có thể di chuyển đến bán đảo thông qua tuyến đường bộ chạy qua vùng Donbass (miền Đông Ukraine).
"Liên quan đến việc tạm ngừng giao thông qua cầu Crimea, người dân có thể đi dọc theo tuyến đường bộ ở các vùng mới sáp nhập (Donbass)", Bộ giao thông vận tải Nga cho biết vào sáng 17/7.
Bộ giao thông vận tải Nga cho biết thêm, từ phía Crimea có hư hại đối với các dầm của cầu Crimea, tuy nhiên không có hiện tượng dầm bị sập hoặc rơi khỏi các trụ cầu.
Bên cạnh đó bộ này cũng bác bỏ thông về thiệt hại nghiêm trọng đối với cấu trúc trụ và dầm của cầu Crimea.
Cũng trong sáng 17/7, người đứng đầu thân Nga ở bán đảo Crimea, ông Serge Aksenov cho biết, đên 16/7 giao thông qua cầu Crimea đã bị tạm ngưng do “sự cố khẩn cấp” đồng thời kêu gọi người dân tránh đi qua cầu thời điểm hiện tại nhưng không nói rõ nguyên nhân.
Chính quyền Crimea cho biết, đã thiết lập một sở chỉ huy di động để điều phối các tình trạng khẩn cấp trước nguy cơ cầu Crimea có thể tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài.
Chính quyền địa phương cho biết khách du lịch đến bán đảo cũng đã được chuyển hướng sang một tuyến đường thay thế.
Còn theo TASS, quan chức Crimea đã yêu cầu dự trữ nhiên liệu, thực phẩm và hàng công nghiệp, sau "sự cố khẩn cấp". Quyền bộ trưởng chính sách công nghiệp của Crimea, Elena Elekchyan nói địa phương hiện vẫn có tất cả nguồn dự trữ và đáp ứng được nhu cầu nhiên liệu và dầu, thực phẩm và hàng công nghiệp cần thiết.
Tháng 10/2022, vụ nổ lớn xảy ra trên cầu Crimea khiến hai nhịp cầu bị sập xuống biển. Lửa từ vụ nổ lan sang đoàn tàu chạy ở làn đường sắt bên cạnh gây ra đám cháy lớn. Ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ nổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ việc là tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Nga. Một tuần sau vụ tấn công, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau vụ nổ.
Mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Kiev đã thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea vào năm ngoái.
Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, dài 19 km, nằm trên eo biển giữa biển Đen và biển Azov, được Nga xây dựng sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Đây được coi là tuyến đường trọng yếu kết nối bán đảo với đất liền Nga.