Nga: Đổ hết tội lỗi cho Iran là một 'chính sách tệ hại'
Đổ lỗi cho Iran trong mọi vấn đề của Trung Đông là một chính sách tệ hại - chính quyền Moscow đã đưa ra nhận định như vậy trong lúc các cố vấn an ninh quốc gia đến từ Nga, Israel và Mỹ có cuộc gặp tại thành phố Jerusalem để thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực.
"Cũng giống như chúng tôi, Iran có sự hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ Syria để chiến đấu chống khủng bố, họ nhận được lời mời hợp pháp từ Chính phủ Syria" - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trước báo giới tại Moscow hôm đầu tuần, sau cuộc họp với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry.
Tuy nhiên, buổi họp báo chung của hai nhà ngoại giao hàng đầu phần lớn nhắc tới một cuộc họp khác, đó là cuộc họp giữa Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và người đồng cấp Israel Meir Ben-Shabbat, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tổ chức tại Jerusalem.
Trong hôm nay (25/6), 3 cố vấn an ninh quốc gia sẽ tiếp tục nhóm họp và dự kiến đưa ra một tuyên bố chung.
Ông Bolton đã rời Washington để tới Israel, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Arab Saudi và UAE; sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước ra quyết định ngừng chiến dịch tấn công Iran vào phút chót. Trong chuyến công du của mình, ông Pompeo đã chính thức đưa ra chương trình nghị sự nói về "những mối nguy hiểm từ các hoạt động gây bất ổn của Iran".
Sự tập trung nhằm vào Iran hiện này là "phản tác dụng" - Ngoại trưởng Nga Lavrov nói - "Israel và Mỹ luôn quan ngại về Iran, không chỉ về vấn đề Syria mà còn cả về vấn đề trong khu vực nói chung, và thậm chí còn trong khu vực địa chính trị rộng lớn hơn. Chúng tôi coi diễn biến trên Vịnh Ba Tư hiện nay, cũng như vấn đề Syria, là rất, rất nguy hiểm".
Theo Ngoại trưởng Nga, hiện nay có nhiều âm mưu biến lãnh thổ Syria thành một chiến trường giữa Israel và Iran, giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shi'ite. Đây là một âm mưu nguy hiểm, chỉ khiến cuộc khủng hoảng tăng nhiệt.
Ông Lavrov không chỉ đích danh một quốc gia nào đứng đằng sau âm mưu này, nhưng ngụ ý của ông khá rõ ràng. Ngay trong hôm đầu tuần, Washington đã tuyên bố áp đặt thêm các đòn trừng phạt nhằm vào Iran, trong đó cả lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng nằm trong danh sách.
Trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry, ông Lavrov đã thể hiện sự quan ngại về kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ công bố, nói rằng "các ý tưởng được phát triển một cách bí mật" trong đó bác bỏ giải pháp hai nhà nước là điều đi ngược lại khung làm việc của các nghị quyết LHQ và nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế thống nhất.
Các nghị quyết của LHQ cũng nên được xem là cơ sở trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria - ông Lavrov nói, đồng thời lên án các âm mưu "cổ xúy các xu hướng ly khai ở Syria" hay can thiệp vào Chính phủ hợp pháp của Syria - ngầm ám chỉ Mỹ.
Việc ông Trump từ chối đưa ra hành động gia tăng căng thẳng quân sự với Iran ngay cả khi ông áp thêm đòn trừng phạt và tung ra nhiều lời đe dọa mới...dường như đã khiến những người có quan điểm diều hâu trong chính quyền của ông - cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Pompeo - bị xa lánh.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ở vị trí tương tự. Ông không thể cáo buộc ông Trump không ủng hộ Israel, bởi mới đây ông Trump đã ra quyết định dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem và công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel. Ông Netanyahu cũng đang gặp khó khăn về mặt chính trị ở trong nươc,s sau khi thất bại trong việc hình thành một chính phủ liên minh, buộc phải kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào tháng 9 tới.
Tờ nhật báo Haaretz của Israel nhận định rằng, thế bế tắc của Thủ tướng Israel khiến ông không thể đứng ra điều hành cuộc họp quan trọng ở Jerusalem, trong khi ông John Bolton lặng tiếng. Mô tả Nga như một thế lực đang nổi ở Trung Đông do sự do dự của Washington trong việc tấn công Syria và Iran, tờ Haaretz cho rằng Israel và Mỹ "có rất ít lựa chọn ngoài việc hợp tác" với Moscow.
Tờ báo trên còn đưa ra nhận định: "Ông Bolton là Cố vấn An ninh Quốc gia thứ 3 của Mỹ chỉ trong vòng 2 năm rưỡi, và có thể sớm bị thay thế".