Nga đối mặt nguy cơ 'vỡ trận', người dân vẫn không muốn giãn cách
Điện Kremlin đang hứng chịu làn sóng chỉ trích về phương hướng chống dịch trong bối cảnh số người tử vong vì Covid-19 ở Nga tăng mạnh.
Ngày 19/10, Thị trưởng Moscow Sergey Semyonovich Sobyanin ban hành quy định yêu cầu người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải ở nhà trong bốn tháng tới. Chính quyền cũng đang cân nhắc đóng cửa các văn phòng trong bối cảnh nước này báo cáo 1.015 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 19/10, theo Reuters.
Chỉ trước đó vài ngày, hôm 15/10, các con phố ở thủ đô Moscow vẫn tràn đầy năng lượng của một tối cuối tuần điển hình. Tại quán bar Simach nằm ở trung tâm thành phố, sàn nhảy chật cứng người, trong khi một hàng dài người khác đứng trò chuyện phía bên ngoài.
“Tạ ơn Chúa, giờ đây chúng tôi đã có thể đến các quán bar mà không gặp bất kỳ giới hạn nào”, Natalia Draganova (34 tuổi), chủ một cửa hàng thời trang ở Moscow, nói với Guardian. “Tôi phản đối quy định đóng của doanh nghiệp vì công việc kinh doanh của tôi sẽ sụp đổ hoàn toàn”.
Nhìn vào dòng người đông đúc ở Moscow, nhiều người khó có thể hình dung rằng Nga đang là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn của thế giới.
Ngày 16/10, số người tử vong vì SARS-CoV-2 ở Nga lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 19/10, Nga ghi nhận hơn 7,9 triệu trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 220.000 ca tử vong.
Denis Protsenko, bác sĩ hồi sức hàng đầu tại Nga, ngày 15/10 nhận định rằng các cơ sở y tế công của nước này “sắp sửa rơi vào tình thế nguy cấp”, còn chương trình tiêm chủng ở Nga đang chững lại.
Thành phố Oryol, cách Moscow 325 km về phía nam, đã hết giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân, hãng thông tấn RIA cho biết.
Mối lo kinh tế
Kể từ giữa tháng 10, nhiều khu vực ở Nga bắt đầu yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng ở các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, người dân Moscow và St Petersburg có ý kiến trái chiều về những biện pháp hạn chế này.
Vào tháng 3/2020, Nga bắt đầu các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong hai tháng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì Điện Kremlin chủ yếu tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nhân viên nhà nước thay vì doanh nghiệp tư nhân, theo Guardian.
“Tôi gần như mất tất cả, do đó tôi không muốn viễn cảnh đóng cửa nền kinh tế lặp lại”, bà Draganova, 34 tuổi, nói. Nhiều chủ doanh nghiệp ở Nga cũng có chung suy nghĩ với bà.
Trong làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, ít nhất 60% hộ gia đình tại Nga cho biết họ đã mất nguồn thu nhập do tình trạng khủng hoảng kinh tế.
“Người Nga dường như lo lắng nhiều hơn về tình hình kinh tế thay vì mối nguy dịch bệnh”, Christian Fröhlich, giáo sư xã hội học tại Đại học Moscow, nhận định.
“Công chúng có kỳ vọng rất thấp đối với chính phủ và không trông đợi sẽ nhận được khoản trợ cấp nào trong thời gian giãn cách. Đây là lý do nhiều người muốn mở cửa đất nước bất chấp lượng người tử vong vì Covid-19 tăng mạnh”, giáo sư Fröhlich nói.
Thông điệp trái ngược từ Điện Kremlin
Tuy nhiên, nền kinh tế dường như không phải là nhân tố duy nhất khiến người Nga chấp nhận sống chung với mối đe dọa mang tên Covid-19, tờ Guardian nhận định.
Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy 55% người tham gia khảo sát cho biết họ không sợ bị nhiễm SARS-CoV-2. Giới chuyên gia cho rằng các thông điệp mâu thuẫn từ Điện Kremlin đã khiến công chúng bối rối và hoài nghi.
“Thành thực mà nói, chính phủ đã thất bại trên mặt trận truyền đạt thông tin trong cuộc chiến chống Covid-19”, Petr Tolstoy, thành viên Duma Quốc gia Nga, thừa nhận vào ngày 16/10.
Giám đốc Denis Volkov của Trung tâm Levada, một tổ chức khảo sát độc lập, cho rằng chính phủ Nga đã gửi đến người dân “quá nhiều thông điệp hỗn loạn về đại dịch”.
Cùng lúc đó, truyền thông nhà nước ở Nga được cho là đã xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của đại dịch và chế giễu chính sách hạn chế gắt gao nhằm đẩy lùi đại dịch ở các quốc gia khác.
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gần 2/3 dân số Nga tin rằng SARS-CoV-2 là vũ khí sinh học do con người tạo ra, theo Guardian.
“Khi các nhà chức trách bắt đầu đạt được sự nhất quán về mặt quan điểm thì đã quá muộn, người dân không còn tin vào truyền thông chính thống nữa”, ông Volkov nói.
Ông Volkov cũng cho biết Điện Kremlin từng nhiều lần tuyên bố chiến thắng dịch Covid-19 và dỡ bỏ các biện pháp giãn cách trước thềm những sự kiện chính trị quan trọng.
Vào mùa hè 2020, giữa lúc số ca mắc Covid-19 ở Nga trên đà tăng, Moscow đột ngột dỡ bỏ các quy định hạn chế để lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng diễn ra suôn sẻ, đồng thời thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý về những thay đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tái tranh cử.
“Nhiều người bắt đầu xem nhẹ SARS-CoV-2 sau khi được thông tin rằng đại dịch đã kết thúc. Điều này được phản ánh bởi thái độ thiếu khẩn trương trong việc tham gia tiêm chủng”, ông Volkov nói.
Theo thống kê của Reuters, tính đến ngày 19/10, hơn 98,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng tại Nga. Chỉ khoảng 1/3 dân số nước này đã được tiêm phòng và kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn một nửa dân số Nga không có ý định tiêm vaccine.