"Không quân Nga đã thực hiện chiến dịch nhận diện và tập kích lưới phòng không Ukraine bằng biên đội 4 chiến đấu cơ tàng hình Su-57. Các tiêm kích này kết hợp thành mạng lưới thông tin thống nhất, có khả năng liên lạc, truyền dữ liệu định vị và tham số mục tiêu theo thời gian thực", hãng thông tấn TASS hôm 9/6 dẫn nguồn tin giấu tên trong không quân Nga cho hay.
Nguồn tin này viết thêm rằng, việc tích hợp Su-57 vào không gian thông tin tác chiến thống nhất đã tăng đáng kể hiệu quả tập kích mục tiêu, trong khi khả năng tàng hình trước radar của dòng tiêm kích này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine là hoàn hảo.
Thực tế ngay từ đầu tháng 3, người ta đã chụp được hình ảnh chiến đấu cơ Su-57 Nga bay trên bầu trời Ukraine.
Hiện cả Moscow và cả Kiev chưa bình luận về thông tin được truyền thông Nga đưa ra.
Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Nga đưa tin về vai trò chế áp lưới phòng không Ukraine của tiêm kích tàng hình Su-57.
Các nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga trước đó cho biết, tiêm kích Su-57 bắt đầu tham chiến ở Ukraine khoảng 2-3 tuần sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt được tiến hành.
Trong những lần tham chiến này, Su-57 hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương và sử dụng nhiều loại tên lửa để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng triển khai Su-57 cho chiến dịch quân sự tại Ukraine là động thái phù hợp với hoạt động của không quân Nga.
Tiêm kích tàng hình này có thể mang nhiều loại tên lửa tầm xa, đủ sức tập kích nhiều mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ đối phương từ khoảng cách lớn.
Hoạt động ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không đối phương sẽ hạn chế nguy cơ mẫu tiêm kích hiện đại nhất của Nga bị bắn hạ hoặc rơi do vấn đề kỹ thuật.
Với nhiệm vụ đối không, hoạt động ngoài không phận Ukraine cũng không phải trở ngại lớn với Su-57.
Tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động R-77-1 cơ bản trên tiêm kích Su-35S có tầm bắn 110 km, trong khi biến thể nâng cấp K-77M được thử nghiệm trên Su-57 có tầm bắn gấp đôi.
Su-57 cũng có thể mang tên lửa tầm xa Izdeliye 810, phiên bản phát triển từ dòng R-37M để giấu trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình.
Tính năng của tên lửa Izdeliye 810 chưa được công bố, nhưng mẫu R-37M nguyên bản có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 200 km.
Không quân Nga dường như cũng thử nghiệm nhiều loại vũ khí đối đất được phát triển riêng cho mẫu tiêm kích tàng hình này.
Trong số này có tên lửa hành trình Kh-59MK2 chuyên diệt mục tiêu nhỏ, kiên cố từ khoảng cách 290 km.
Tên lửa diệt radar Kh-58UShK có thể giấu trong thân máy bay và Kh-38M có thiết kế module, mang được nhiều loại đầu dò như laser bán chủ động, ảnh nhiệt và radar chủ động.
Nếu việc huy động tới 4 chiến đấu cơ Su-57 được xác nhận thì có thể Nga đã sử dụng tới cả các nguyên mẫu thử nghiệm của dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này.
Theo dữ liệu chính thức được phía Nga công bố, cho đến nay, chỉ có duy nhất một máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm được biên chế trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào cuối năm ngoái.
Trong khi 12 chiếc khác được chế tạo trước đó chỉ là nguyên mẫu dùng trong thử nghiệm đánh giá trước khi sản xuất hàng loạt.
Phần lớn các ý kiến chuyên gia nhận định vấn đề động cơ vẫn là "tử huyệt" của loại chiến đấu cơ Su-57 khiến nó liên tục bị trễ hẹn vào biên chế.
Có nhiều tiêu chí quy chuẩn dành cho tiêm kích thế hệ thứ 5, tuy nhiên tựu chung nhất vẫn là đông cơ, hệ thống radar mảng pha chủ động và độ bộc lộ radar ít.
Nga đã phần nào thành công khi giải được bài ít bộc lộ radar cũng như họ cũng đã phát triển thành công radar mảng pha chủ động, tuy nhiên động cơ vẫn là "nút thắt" mà Nga đang loay hoay tìm cách giải quyết.
Mặc dù tiêm kích Su-57 đã bước vào sản xuất hàng loạt, nhưng thực tế quá trình chế tạo "Sản phẩm 30" (động cơ Izdeliye 30 dành cho Su-57) vẫn bị đình trệ nghiêm trọng.
Nếu ban đầu có báo cáo rằng những động cơ này sẽ được lắp đặt trên các tiêm kích thế hệ thứ năm vào năm 2019, thì theo thông tin mới nhất, quá trình thử nghiệm động cơ đầy đủ tới nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn
Các chuyên gia cho rằng, với tiến độ và kết quả thu được trong thử nghiệm hiện tại về việc động cơ Izdeliye 30, gần như chắc chắn Su-57 sẽ khó có động cơ đủ chuẩn vào cuối năm 2022 thậm chí là sau đó vài năm.
Nếu không có động cơ đạt chuẩn tiêm kích thế hệ thứ 5, Su-57 có năng lực tác chiến sẽ không hơn Su-35 là mấy.
Hiện tại các chiến đấu cơ Su-57 được sản xuất trong tới thời điểm hiện tại vẫn đang sử dụng bộ đôi động cơ AL-41F1S vốn của chiến đấu cơ thế hệ thứ 4.
Su-57 là mẫu tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga được thiết kế để cạnh tranh với F-35 và F-22 của Mỹ, cùng J-20 của Trung Quốc.
Loại chiến đấu cơ này được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương.
Nga bắt đầu phát triển dự án PAK-FA vào đầu thập niên 2000 và chuyến bay đầu tiên của T-50 nguyên mẫu của Su-57 được thực hiện tại Komsomolsk-on-Amur vào tháng 1/2010, sau nhiều lần trì hoãn.
Đầu năm 2018, Nga triển khai một số nguyên mẫu thử nghiệm Su-57 tới chiến trường Syria để kiểm tra tính năng chiến đấu, tuy nhiên không có nhiều thông tin cho sự kiện này.
Hồi tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Nga quyết định đặt mua 76 tiêm kích Su-57, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên sau đó có thông tin rằng Nga đã âm thầm rút bớt số lượng đặt mua xuống mức tối thiểu cho lần sản xuất loạt đầu tiên.
Sukhoi từng lên kế hoạch bàn giao toàn bộ hợp đồng đầu tiên của chiến đấu cơ Su-57 cho không quân Nga trước năm 2028. Họ cũng dự định biên chế ít nhất thêm 3 chiếc vào phi đội 1 chiếc Su-57 đã biên chế trước đó, tuy nhiên cuối cùng đã không thực hiện được.
Việt Hùng