Nga dùng tổ hợp tác chiến điện tử, tên lửa duyên hải ngăn chặn Ukraine phản công
2 tổ hợp tác chiến điện tử và 1 hệ thống phòng thủ tên lửa duyên hải đã được Nga sử dụng để ngăn chặn đà phản công của Ukraine.
Tuần qua, Ukraine tuyên bố quân đội nước này tiến công thành công ở các vùng Zaporizhzhia, Donetsk cùng thành phố Bakhmut dù phải trải qua giao tranh ác liệt.
Một số blogger quân sự Nga nói rằng quân đội Ukraine tận dụng thời tiết thuận lợi đẩy mạnh phản công tại Zaporizhzhia, nhưng lại không thế chiếm lại thành phố Orikhiv trong vùng.
Đặc biệt một blogger cho biết Nga triển khai tổ hợp tác chiến điện tử (EW) Murmansk-BN gây nhiễu cảm biến của thiết bị trinh sát trên không và tổ hợp Krasukha-4 cản trở kết nối tín hiệu vệ tinh trong bán kính 300 km.
Murmansk-BN chuyên đối phó hệ thống liên lạc tần số cao (HF) của phương Tây cùng nhiều hệ thống vô tuyến khác, được cho có phạm vi hoạt động lên đến hơn 5.000 km, tính cơ động cao nên là thiết bị chiến lược của quân đội Nga.
Còn Krasukha-4 gây nhiễu và cản trở các hệ thống radar trên mặt đất lẫn trên không, qua đó giúp che giấu một khu vực hoặc đơn vị tác chiến khỏi radar của kẻ địch. Tổ hợp có thể được đặt trên xe tải di chuyển nhanh chóng đến nơi cần dùng. Tính cơ động cùng năng lực EW khiến Krasukha-4 đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Nga.
Ngoài 2 tổ hợp EW nêu trên, tướng Ukraine Oleksii Hromov còn lưu ý Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa duyên hải BAL KH-35 đến vùng Bryansk – cho phép lực lượng nước này tấn công hậu phương của Ukraine ở Zhytomyr, Kyiv, Poltava, Cherkasy, Chernihiv, Sumy và Kharkiv.
Lâu nay Nga thường sử dụng nhiều hệ thống tên lửa như S-300 tấn công mục tiêu trên mặt đất cũng như bù đắp cho sự thiếu hụt vũ khí chính xác. Đây có thể là lý do tại sao hệ thống phòng thủ duyên hải BAL KH-35 lại được triển khai đến khu vực nằm sâu trong đất liền.
BAL KH-35 chuyên xử lý tàu trên biển lẫn mục tiêu trên đất liền. Hệ thống có thể nhắm nhiều mục tiêu cùng lúc, mỗi đơn vị chỉ huy quản lý 6 mục tiêu, nhận dữ liệu từ cả kênh radar chủ động lẫn kênh radar bị động.