Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 7
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga, ngày 11/8/2020 - Ảnh: THX/TTXVN
* Đại dịch COVID-19 đe dọa nghiêm trọng những người di tản do xung đột
Ngày 21/9, Nga ghi nhận 6.196 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 18/7, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.109.595 ca. Hiện Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19.
Nhà chức trách Nga cũng thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 71 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 19.489 ca.
Tại CH Czech, cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Adam Vojtech cho biết ông đã đệ đơn xin từ chức sau những chỉ trích về cách xử lý dịch bệnh của bộ trên trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại quốc gia Trung Âu này gia tăng.
Czech đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh thứ hai ở châu Âu trong những tuần gần đây, sau Tây Ban Nha, sau khi quốc gia Trung Âu này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ trước mùa hè vừa qua, vốn được áp đặt trong đợt bùng phát dịch đầu tiên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo số liệu mới nhất trên trang thống kê worldometers.info, Czech hiện có 49.290 ca nhiễm, trong đó 503 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, trong vòng 14 ngày qua, tỉ lệ mắc bệnh tại Cộng hòa Czech là 193/100.000 người.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cho biết tính đến 0 giờ ngày 21/9, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 23.045 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng 70 ca so với số liệu một ngày trước, bao gồm 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca có yếu tố ngoại nhập.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc duy trì số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức hai con số, trong đó số ca nhiễm mới ở các địa phương không thuộc Seoul và vùng phụ cận đã giảm xuống dưới mốc 20 ca/ngày kể từ khi đạt con số cao nhất 121 ca theo số liệu công bố ngày 27/8.
Số ca nhiễm mới ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận là 40 ca (chiếm 57,1%). Mặc dù số ca nhiễm mới mỗi ngày đã có xu hướng giảm, song KCDA nhận định vẫn chưa thể nới lỏng công tác phòng dịch vì tỉ lệ ca nhiễm chưa rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh chỉ còn hơn một tuần nữa là tới kỳ nghỉ Tết Trung thu.
Theo quy định giãn cách xã hội mức 2, tất cả các cuộc hội họp quy mô hơn 50 người trong phòng kín và hơn 100 người ngoài trời sẽ tiếp tục bị cấm trên toàn quốc.
Các cơ sở nhà nước trong nhà như viện bảo tàng, thư viện sẽ tiếp tục đóng cửa; các trận thi đấu thể thao chuyên nghiệp như bóng chày, bóng đá sẽ diễn ra theo hình thức không khán giả; 11 tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như quán rượu vẫn phải tiếp tục tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, tùy theo tình hình phòng dịch, cơ quan chức năng Hàn Quốc vẫn cho phép các địa phương điều chỉnh linh hoạt thời điểm và nội dung áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mức 2.
Một số chính quyền địa phương như tỉnh Bắc Chungcheong, TP Gwangju đã cho phép nới lỏng thời gian hoạt động của các quán rượu, phòng karaoke...
Theo KCDA, mặc dù biện pháp giãn cách xã hội mức 2 sẽ kéo dài tới ngày 27/9, song từ ngày 28/9 tới ngày 11/10 được xem là "thời gian phòng dịch đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu”.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 21/9 đã công bố "Đối sách giao thông đặc biệt" cho kỳ nghỉ Tết Trung thu năm nay, trong đó có nội dung cấm các hoạt động ăn uống tại các quán ăn ở trạm dừng chân trên các tuyến đường cao tốc.
Ước tính có khoảng 27,59 triệu người dân sẽ di chuyển trong dịp Tết Trung thu sắp tới, ít hơn 28,5% so với số người di chuyển bình quân mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tết Trung thu năm ngoái (4,6 triệu người/ngày).
Các cơ quan chức năng Hàn Quốc nhiều lần khuyến cáo người dân nên nghỉ tại nhà vào kỳ nghỉ Tết Trung thu năm nay, chỉ sử dụng phương tiện cá nhân trong trường hợp cần thiết; yêu cầu người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng phải đeo khẩu trang, hạn chế trò chuyện, tránh di chuyển vào những khung thời gian có nhiều người đi lại.
Bang Victoria của Úc ngày 21/9 ghi nhận 11 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Dù vậy, chính quyền bang này khẳng định không có kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trước kế hoạch đã đề ra.
Bang Victoria dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 28/9 nếu số ca mắc trung bình trong 2 tuần qua dưới con số 50. Hiện số ca nhiễm trung bình trong 2 tuần qua tại TP Melbourne - tâm dịch tại bang Victoria, là 35. Úc đặt mục tiêu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế tại bang Victoria vào cuối tháng 10 nếu số ca nhiễm mới bình quân trong 2 tuần dưới 5 ca/ngày.
Ở Israel, gần 1.200 người đã chết vì COVID-19, khiến nước này buộc phải phong tỏa lần thứ hai vào tuần trước. Israel là một trong vài nước ít ỏi thực hiện biện pháp này. Khi làn sóng dịch bệnh thứ nhất lan khắp thế giới, các chính phủ đã hạn chế hoạt động di chuyển của người dân quyết liệt: Có thời điểm, trên 4 tỉ người phải ở nhà phòng dịch. Giờ đây, phần lớn quốc gia đang tìm cách tránh phải áp dụng biện pháp nghiêm ngặt như vậy.
Ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới, nói: “Chúng ta đối mặt với tình hình rất nghiêm trọng phía trước. Số ca hàng tuần giờ đã vượt quá số ca tại thời điểm đại dịch đạt đỉnh lần đầu ở châu Âu hồi tháng ba”.
Khắp khu vực Mỹ Latin, số người chết đã lên tới trên 310.000 người. 2/3 trong số đó tới từ hai quốc gia là Brazil (trên 132.000 ca tử vong) và Mexico (trên 72.000 ca tử vong). Tiến sĩ Carissa F. Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ, cảnh báo mối đe dọa vẫn còn đó. Bà nói: “Mỹ Latin đã bắt đầu nối lại cuộc sống xã hội gần như bình thường vào thời điểm mà COVID-19 vẫn đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Chúng ta phải ý thức rõ rằng mở cửa quá sớm sẽ khiến virus có cơ hội lây lan và khiến người dân gặp rủi ro lớn hơn”.
Mặc dù năng lực của các hệ thống y tế có thể khác nhau ở mỗi nước, nhưng phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn virus xâm nhập nhà dưỡng lão và các nhóm người dễ bị tổn thương, điều trị tốt cho bệnh nhân sẽ giúp giảm số bệnh nhân cần máy thở.
Khi cuộc đua sản xuất vaccine vẫn chưa có hồi kết, COVID-19 chưa có thuốc đặc trị. Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins, dự báo số người chết ở Mỹ có thể lên 300.000 người nếu người dân ngừng cảnh giác.
Hiện nay, có một số nhân tố mới khiến diễn biến COVID-19 sẽ khó lường. Thời tiết lạnh sẽ khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao giờ hết vì cùng ở chung trong không gian kín. Mùa cúm hàng năm đang tới cũng sẽ khiến hệ thống y tế thêm áp lực. Nỗ lực ngăn chặn virus lây lan tại trường học cũng không biết có thành công không.
Nhiều người cho rằng tỉ lệ tử vong ở học sinh, sinh viên nhiễm virus sẽ thấp hơn. Đúng như vậy, nhưng nếu những học sinh, sinh viên này lây virus cho các thầy cô giáo, thành viên gia đình, hàng xóm thì họ sẽ gây ra các ổ dịch nguy hiểm. Trong thực tế, tại Mỹ, virus đang lây lan nhanh ở những nơi có ổ dịch bùng phát trong trường đại học.
Đại dịch COVID-19 đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với những người phải rời bỏ nhà cửa đi di tản hoặc chịu ảnh hưởng xung đột, đồng thời đẩy nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo và vô gia cư.
Bản báo cáo được thực hiện dựa trên các đánh giá và khảo sát tại 14 quốc gia chịu ảnh hưởng do xung đột, trong đó có Afghanistan, Iraq, Libya, Mali, Somalia và Yemen. NRC cho biết gần 75% trong số 1.413 người được khảo sát cho biết điều kiện sống của họ trở nên tồi tệ kể từ khi đại dịch bùng phát. Cụ thể, 70% người được hỏi chia sẻ khẩu phần ăn hằng ngày bị giảm, 77% mất việc làm hoặc thu nhập, trong khi 73% cho biết không đủ điều kiện cho con tiếp tục đến trường.
Theo ông Jan Egeland, Tổng Thư ký NRC, những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang rơi vào "vòng xoáy nguy hiểm" do các tác động của đại dịch. Không những phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn tình trạng bạo lực và bị hạn chế về quyền lao động hoặc tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, tình trạng của nhóm đối tượng trên càng tồi tệ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đẩy họ đến bờ vực "thảm họa".
Ngay cả trước khi dịch COVID-19 ập đến, Liên Hợp Quốc đã quan ngại về nạn đói đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Theo Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu 2020, cứ 9 người lại có 1 người trên thế giới bị thiếu ăn hoặc hoặc thiếu dinh dưỡng; trong khi cứ 3 người lại có 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Gần 25% số trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu có thể trạng còi cọc.
Ông Philip Alston, cựu đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề nghèo đói cùng cực và nhân quyền, từng cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ đẩy hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, đồng thời làm gia tăng số người có nguy cơ bị thiếu lương thực trầm trọng thêm hơn 250 triệu người. Theo ông Alston, ngay các trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã lãng phí một thập kỷ trong cuộc chiến chống đói nghèo khi đạt được những "chiến thắng không đúng chỗ", gây cản trở cho những cải cách vốn lẽ ra đã có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do dịch bệnh nguy hiểm này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)