Nga gián tiếp công nhận S-300 và S-400 'chỉ để làm cảnh' ở Syria
Hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga được coi là những hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất trên thế giới, tuy nhiên, ở chiến trường Syria, hai hệ thống này dường như đã không phát được bất kỳ hiệu quả phòng không nào.
Trong chiến tranh hiện đại,
máy bay không người lái (UAV) có thể được coi là phương tiện trinh sát thực địa không thể thiếu. Với tính năng ẩn tàng mạnh mẽ, UAV phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, đặc biệt là trên chiến trường Syria. Lực lượng Phòng không Nga ở Syria thời gian qua đã nhiều lần buộc phải tiêu diệt các UAV trinh sát các căn cứ của Nga, nhất là căn cứ không quân Hmeymim, trong đó có cả UAV của Mỹ ủy nhiệm cho lực lượng khác thăm dò, tấn công tự sát vào lực lượng Nga.
Theo báo cáo mới đây của The Moscow News, thống kê của Phòng không Nga cho thấy, lực lượng Nga ở Syria trong năm 2019 đã bắn hạ hàng chục máy bay UAV trinh sát, trong đó có 2 UAV hiện đại của Mỹ là UAV RQ21. Đại diện lực lượng phòng không Nga ở Syria khẳng định, trong môi trường khốc liệt ở Syria, để đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra, lực lượng này sẽ kiên quyết “trừng phạt” bất kỳ hành động thách thức nào của đối phương.
Báo cáo của The Moscow News cho biết, Phòng không Nga ở Syria đã bắn hạ 10 UAV của Mỹ cùng nhiều UAV của các quốc gia khác, đây là một chiến tích huy hoàng của Nga ở Syria. Những UAV này đều có ý định tiếp cận căn cứ của Nga ở Syria để tiến hành những hành động có khả năng gây mất an toàn cho lực lương Nga. Để tiêu diệt 10 UAV của Mỹ, Nga đã sử dụng tổng cộng 28 quả tên lửa và nhiều rocket, trong đó 2 UAV RQ21 bị tiêu diệt chỉ trong 20s sau khi tiếp cận căn cứ Nga và bay lơ lửng trong không phận gần đó.
Một điều ngạc nhiên là hệ thống phòng không S-300, S-400 “nổi tiếng” thế giới lại không phải “tác giả” của chiến tích này, toàn bộ 10 UAV của Mỹ là do tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 tiêu diệt và hệ thống phòng không tự hành Tunguska cùng một số hệ thống phòng không tầm gần, pháo phòng không 30mm.
Đây không phải là lần đầu thông tin về việc hệ thống S-300, S-400 “vô dụng” ở Syria. Trong các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu Iran ở Damascus, hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 cũng nhiều lần không phát hiện ra chiến cơ Israel. Tel Aviv cũng đã công khai công bố đường bay của các máy bay Israel là F-35 và F-16, các máy bay không chỉ vào không phận Syria mà còn bay gần vài trăm km phía trên khu vực có đặt các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga.
Giới chuyên gia quân sự của Nga cũng bày tỏ nghi ngờ về tính năng của 2 hệ thống phòng không được coi là hiện đại nhất thế giới này. Trong báo cáo viết trên trang Avia.pro, các chuyên gia quân sự Nga khẳng định, một loạt vụ tấn công gần đây của Israel nhắm vào các mục tiêu Iran ở Syria đã chứng tỏ tính vô hiệu của hệ thống tên lửa phòng không S-300 trong các điều kiện của Syria.
Các chuyên gia chỉ ra một trong những lý do chính của vấn đề này là Israel sử dụng tên lửa tầm xa, không kích ngoài phạm vi đánh chặn hiệu quả các mục tiêu trên không của hệ thống S-300, hơn nữa, các chiến đấu cơ của Israel ở trong không phận quốc tế. Từ đó, giới chuyên gia Nga cho rằng tình hình có thể sẽ được thay đổi nếu các tổ hợp S-300 được bố trí gần Địa Trung Hải. Thế nhưng, trong trường hợp đó, Israel gần như chắc chắn chọn chính các tổ hợp này làm mục tiêu không kích của họ.
Không chỉ bị các máy bay của Israel qua mặt, theo Avia.pro, máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ hôm 31/1 đã can thiệp và vô hiệu hóa hoạt động của các hệ thống phòng không S-400 Nga tại căn cứ không quân Hmeymim bằng cách sử dụng nhiều tần số khác nhau trong nhiều giờ đồng hồ.
Theo các chuyên gia, máy bay trinh sát RC-135U, bay theo lộ trình dọc đường bờ biển Syria, không chỉ cho phép quân đội Mỹ đọc được tín hiệu sóng vô tuyến từ các radar của S-400, mà còn tìm cách truyền các tín hiệu giả tới những radar này, cản trở nghiêm trọng tới hoạt động thông thường của chúng. Ngoài ra máy bay trinh sát của Mỹ còn can thiệp vào hoạt động của hệ thống phòng không S-300 Syria nhưng do hệ thống này được bố trí cách xa đường bay của RC-135 nên hiệu quả gây nhiễu kém hơn.