Nga giới thiệu biến thể tên lửa có thể xuyên phá mọi xe tăng như Abrams và Leopard 2

Nga tuyên bố tên lửa chống tăng Kornet-EM có thể 'xóa sổ' các xe tăng hiện đại như Abrams và Leopard 2, nhờ độ chính xác cao, tầm bắn xa và khả năng xuyên giáp mạnh.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec mới đây đã khẳng định vai trò của Kornet-EM, một biến thể nâng cấp của hệ thống tên lửa chống tăng 9M133 Kornet – trong chiến sự hiện tại.

Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM. (Nguồn: Rosoboronexport)

Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM. (Nguồn: Rosoboronexport)

Được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1990, Kornet vẫn được coi là một trong những hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại nhất của Nga, dù chi phí cao khiến nó chưa thể thay thế hoàn toàn các loại vũ khí cũ hơn thời Liên Xô.

Theo Rostec, Kornet-EM đã thể hiện hiệu quả rõ rệt trong các cuộc giao tranh ở Ukraine. "Không có loại xe tăng nào của đối phương có thể chống lại hệ thống này. Nó có thể xuyên thủng mọi loại giáp, kể cả ở các góc bắn khó, với khả năng tiêu diệt xe tăng chỉ bằng một phát bắn", tập đoàn này khẳng định với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Một trường hợp cụ thể được dẫn chứng là tên lửa Kornet đã xuyên giáp và phá hủy động cơ của xe tăng M1 Abrams mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Rostec cho biết Kornet có thể xuyên thủng lớp giáp thép dày tới hơn 1,2 m, bao gồm cả các lớp bảo vệ tiên tiến như giáp nhiều lớp, gốm sứ, hợp kim vonfram hay uranium nghèo. Ngay cả giáp Chobham – lớp giáp phức hợp được phương Tây đánh giá cao, cũng không đủ sức chống lại đầu đạn của Kornet.

Ngoài nhiệm vụ phá hủy xe tăng, Kornet còn được mô tả là một loại vũ khí dẫn đường đa năng với độ chính xác cao. Hệ thống này từng được sử dụng để tấn công nhiều loại mục tiêu khác như công sự kiên cố, vị trí súng máy, tháp canh và binh lực tập trung của đối phương.

Vũ khí quen thuộc trong chiến sự hiện đại

Tên lửa Kornet lần đầu ra mắt trong chiến đấu vào năm 2003, khi được quân đội Iraq sử dụng để đối phó với lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu trong Chiến dịch Tự do Iraq. Khi đó, Kornet được cho là đã vô hiệu hóa một số xe chiến đấu của Mỹ, bao gồm cả xe tăng M1 Abrams.

Sau nhiều lần cải tiến, phiên bản Kornet-EM hiện đại được trang bị đầu đạn mạnh hơn, phạm vi tác chiến mở rộng và khả năng "bắn rồi quên". Một trong những đặc điểm nổi bật của Kornet là khả năng phóng đồng thời hai tên lửa theo chế độ "tấn công song song", giúp tăng cơ hội xuyên phá giáp phản ứng nổ và đánh bại các hệ thống phòng vệ chủ động.

Tên lửa Kornet được dẫn hướng bằng tia laser theo chế độ bán tự động,tức người điều khiển duy trì điểm ngắm đến mục tiêu trong suốt hành trình bay của tên lửa để đảm bảo độ chính xác. Trong một số phiên bản, Kornet cũng có khả năng tự tìm mục tiêu sau khi phóng.

Dù được xếp vào nhóm vũ khí "xách tay", hệ thống Kornet yêu cầu một tổ vận hành hai người, sử dụng bệ phóng ba chân cùng kính ngắm nhiệt. Nó cũng có thể được lắp trên nhiều loại xe chiến đấu bánh lốp hoặc bánh xích để tăng tính cơ động.

So sánh với đối thủ phương Tây

Trong một bài viết trên tờ National Interest, nhà phân tích địa chính trị Brandon J. Weichert đã so sánh Kornet với tên lửa FGM-148 Javelin của Mỹ – loại vũ khí nổi tiếng và cũng đang được Ukraine sử dụng hiệu quả. Theo ông, Kornet sở hữu những ưu thế riêng và là một đối thủ đáng gờm trong xung đột hiện đại.

Dù Nga tỏ ra tự tin vào sức mạnh của Kornet, giới quan sát cho rằng các hệ thống vũ khí chống tăng tiên tiến khác cũng đang phát huy hiệu quả tương đương trong chiến sự hiện đại.

Tuy nhiên, Kornet vẫn là một mối đe dọa thực sự đối với các lực lượng thiết giáp và bất kỳ chỉ huy xe tăng nào cũng không thể xem nhẹ mối nguy từ loại tên lửa này.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-gioi-thieu-bien-the-ten-lua-co-the-xuyen-pha-moi-xe-tang-nhu-abrams-va-leopard-2-169250518155037766.htm