Nga hứa cho Mỹ thị sát siêu tên lửa Sarmat để cứu START 3
Nga khẳng đã giới thiệu cho phía Mỹ tổ hợp tên lửa Avangard và nay sẵn sàng để quan chức quân sự Washington thị sát siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat để cứu hiệp ước cắt giảm vũ khí START III.
"Chúng tôi đã nói với Mỹ tại các cuộc họp cấp cố vấn, cơ chế được thành lập để (đàm phán gia hạn) hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START 3 hoặc New START), rằng chúng tôi sẽ cho họ xem các hệ thống tên lửa Nga hiện sở hữu", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22-12 nói với báo giới, theo RT.
Ông Lavrov tiết lộ Mỹ đã được thị sát mẫu tên lửa- thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard. Sắp tới, Moscow sẵn sàng cho quan chức Washington tận mắt nhìn thấy tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, dù chúng không nằm trong phạm vi quy định của hiệp ước.
"Động thái này xuất phát từ thực tế rằng chúng tôi sẵn sàng xếp cả tên lửa Avangard và Sarmat vào khuôn khổ của New START, trong kịch bản hiệp ước này được gia hạn", ông Lavrov nói thêm, cho thấy mong muốn của Moscow gia hạn văn kiện lịch sử này.
Cuối tháng 11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố một đội thanh sát viên của Mỹ đã lần đầu tận mắt xem xét hệ thống tên lửa siêu vượt âm Avangard mà Moscow mới chế tạo thành công. Avangard có tốc độ Mach 27, tức nhanh hơn vận tốc âm thanh 27 lần.
Trong khi đó, RS-28 Sarmat được Nga phát triển từ khoảng những năm 2009 và là phiên bản nâng cấp của tên lửa RS-36M, được NATO gọi với biệt danh "quỷ Satan" vào những năm 1970. Tên lửa Sarmat có tầm tấn công 18.000 km, nặng hơn 200 tấn.
Về đầu đạn, Sarmat có thể triển khai 10-15 đầu đạn hạt nhân có sức công phá 8-10 triệu tấn thuốc nổ TNT hoặc đầu đạn siêu vượt âm để tấn công chính xác vào sở chỉ huy của đối thủ. Sarmat sẽ gia nhập quân đội Nga từ năm 2021.
Theo RT, New START, được ký năm 2010 và hết hạn vào tháng 2-2021, quy định Nga và Mỹ mỗi bên chỉ được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược trên 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc oanh tạc cơ.
Tuy nhiên, Mỹ gần đây tuyên bố không gia hạn hiệp ước này nữa. Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận thua kém Nga rất xa trong lĩnh vực tên lửa siêu vượt âm, loại vũ khí có thể thay đổi thế cân bằng chiến lược. Các chuyên gia cho rằng Mỹ muốn rút khỏi New START để tái triển khai lượng lớn vũ khí hạt nhân răn đe.