Nga 'hướng Đông' khi quan hệ với phương Tây xấu đi

Reuters cho biết trong bối cảnh quan hệ với phương Tây trở nên xấu đi, Nga chuyển hướng sang hợp tác với một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc hay Ả Rập Saudi, cũng như các quốc gia có triển vọng dài hạn như Zimbabwe hay Afghanistan.

Cuộc chiến Ukraine khiến quan hệ Nga - phương Tây hứng chịu biến động lớn nhất kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Loạt trừng phạt mà phương Tây áp đặt đem lại thay đổi chưa từng có cho các mối quan hệ kinh tế của Nga.

Từ khi Peter Đại đế đặt nền móng cho nhà nước Nga hiện đại và biến St. Petersburg thành thủ đô vào đầu thế kỷ 18, giới lãnh đạo nước này đã hướng tới phương Tây như nguồn cung công nghệ, đầu tư lẫn ý tưởng. Thế nhưng, cuộc chiến Ukraine buộc Tổng thống Vladimir Putin chuyển hướng sang châu Á cùng nhiều nước nằm ngoài phương Tây khác. Kết quả là trừng phạt không thể làm kiệt quệ nền kinh tế Nga mà thúc đẩy Moscow tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một số cường quốc ở Trung Đông cũng như trên khắp Mỹ Latinh và châu Phi.

Không rõ số quốc gia nêu trên sẵn sàng đầu tư bao nhiêu vào Nga (và thậm chí, chấp nhận trả giá như thế nào) nhưng cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận “bom tấn” nào được công bố.

Tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) diễn ra hồi tuần qua, Tổng thống Bolivia Luis Arce tuyên bố muốn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình kinh tế mới mà họ xây dựng từ năm 2006. Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Bộ trưởng Thương mại Oman, một đại diện cấp cao của Taliban cũng góp mặt.

Hiện tại, giao thương Nga - Zimbabwe còn rất khiêm tốn, năm 2023 mới chỉ đạt 168 triệu USD. Trong khi đó giao thương Nga - Liên minh châu Âu vào năm trước lúc cuộc chiến Ukraine nổ ra đã chạm mốc 300 tỉ USD.

Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg 2024 - Ảnh: X

Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg 2024 - Ảnh: X

Theo ghi nhận của Reuters, SPIEF năm nay vắng mặt đại diện doanh nghiệp lớn của phương Tây. Nhiều nhà tài phiệt Nga những năm 1990 cũng biến mất.

Loạt ngân hàng quốc doanh như Sberbank, VTB đều góp mặt. Đặc biệt ngân hàng tư nhân Alfa giới thiệu bản thân là đơn vị tài chính tốt nhất để làm ăn với Trung Quốc. Trong thời gian SPIEF diễn ra, tất cả diễn giả cùng đối tác đều di chuyển bằng ô tô thương hiệu Hongqi. Phái đoàn Taliban xuất hiện nổi bật dù chưa được Nga công nhận. Năm nay diễn đàn lấy chủ đề “Nền tảng của thế giới đa cực là thiết lập các điểm phát triển mới”.

Kinh tế Nga thể hiện năng lực phục hồi mạnh mẽ trước trừng phạt từ phương Tây. Không ít đại biểu nước ngoài dành lời khen cho Moscow. Quan chức Nigeria Nebeolisa Anako nói với Reuters: “Diễn đàn năm nay tăng về quy mô. Có rất nhiều cơ hội hợp tác. Phương Tây đang tự cô lập mình vì họ là thiểu số trên thế giới mặc dù giữ vai trò quan trọng. Hợp tác với các khu vực khác vẫn tốt hơn”. Một số đại biểu châu Phi và Trung Đông đưa ra phát ngôn tương tự.

Trong cuộc gặp Phó phủ tướng Nga Alexander Novak tại diễn đàn, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết “các quốc gia thân thiện” chiếm phần lớn lượng dầu xuất khẩu của nước này và khoảng 70% giao dịch được thanh toán bằng nội tệ. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Ả Rập Saudi đã cung cấp 95% dầu và sản phẩm dầu mỏ cho “các quốc gia thân thiện”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nga-huong-dong-khi-quan-he-voi-phuong-tay-xau-di-218164.html