Nga - ICC đấu khẩu
Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở TP The Hague - Hà Lan ngày 17-3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga.
Theo đài RT, Bộ Ngoại giao Nga lập tức bác bỏ thông báo của ICC khi khẳng định các quyết định của tòa này không có ý nghĩa gì đối với Moscow và không có giá trị pháp lý. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga không công nhận thẩm quyền của ICC, đồng thời gọi lệnh bắt giữ của tòa này là "không thể chấp nhận được".
Hãng tin TASS cho biết ông Peskov không trả lời khi được hỏi liệu quyết định của ICC có ảnh hưởng đến việc ông Putin thăm các nước công nhận thẩm quyền của tòa này hay không. Thượng nghị sĩ Andrey Klishas, thành viên Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, cũng gọi động thái của ICC là "ngớ ngẩn".
Trong khi đó, theo RT, hàng ngàn cư dân tại Donetsk, Lugansk, Zaporozhye, Kherson (4 khu vực sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 9-2022) đã được sơ tán đến Nga do Ukraine "cố tình pháo kích dân thường".
ICC được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998. Tòa này cho biết ông Vladimir Putin và bà Lvova-Belova bị cáo buộc phạm tội theo một số điều khoản của Quy chế Rome. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng Moscow chưa phê chuẩn quy chế này và không thuộc thẩm quyền của ICC.
Theo đài Al Jazeera, Nga đã ký Quy chế Rome năm 2000 nhưng vẫn chưa phê chuẩn nó để trở thành thành viên ICC. Đến năm 2016, Tổng thống Putin ký sắc lệnh tuyên bố Nga sẽ không làm thành viên của ICC. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng ICC đã không đáp ứng được kỳ vọng và không thể trở thành một tổ chức thật sự độc lập về tư pháp quốc tế.
Phản ứng lại tuyên bố trên, Chủ tịch ICC Piotr Hofmanski cho rằng theo quy chế của ICC (hiện có 123 quốc gia thành viên), tòa này có thẩm quyền đối với tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên hoặc một quốc gia đã chấp nhận thẩm quyền của ICC. Ukraine đã 2 lần chấp nhận ICC - vào năm 2014 và 2015.
Trả lời phỏng vấn đài Al Jazeera, ông Hofmanski cho biết 43 nước đã đưa tình hình ở Ukraine ra tòa án, đồng nghĩa họ đã chính thức kích hoạt quyền tài phán của ICC. Ông khẳng định ICC có thẩm quyền đối với người có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Ukraine từ tháng 11-2013 trở đi, bất kể quốc tịch.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-icc-dau-khau-20230318201103487.htm