Nga khẳng định tiếp tục cung cấp khí đốt cho Serbia
Điện Kremlin thông báo, trong cuộc điện đàm ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic nhất trí rằng Moskva sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho Serbia và 2 nước sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác.
Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề Ukraine và Kosovo.
Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Serbia thừa nhận, nền kinh tế của nước này hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Ông Vucic nói rằng, trong khi 55% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Đức là nhập khẩu của Nga thì Serbia cũng như nhiều quốc gia khác lại phụ thuộc đến 100%.
Dựa trên tình hình thế giới hiện nay, bảo đảm nguồn cung năng lượng đang trở thành 1 vấn đề quan trọng đối với Belgrade.
Do vậy, với việc hợp đồng dài hạn trước đó sẽ hết hạn vào ngày 31/5, Chính phủ Serbia đã đàm phán để mua khí đốt của Nga với mức giá tốt.
Nhà lãnh đạo Serbia cho biết thêm, mặt hàng dầu mỏ Nga cũng chiếm hơn 60% lượng nhập khẩu của nước này trong tháng 4.
Ông đồng thời nhấn mạnh, Belgrade không có lựa chọn nào khác để thay thế nguồn cung khí đốt tự nhiên của Moskva.
Mặc dù đang nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng Serbia cũng đang tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với Nga.
Cùng ngày 29/5, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, lượng khí đốt mà tập đoàn này vận chuyển tới châu Âu thông qua Ukraine qua cửa khẩu Sudzha hiện ở mức 44,1 triệu mét khối, tăng so với mức 43,96 triệu mét khối vào 28/5.
Tuy nhiên, Gazprom cho biết đề nghị cung cấp khí đốt qua 1 cửa khẩu chính khác là Sokhranovka đã bị phía Ukraine từ chối.
Trước đó, ngày 10/5, công ty điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine GTSOU tuyên bố, sẽ tạm ngừng quá trình vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua trạm Sochranovka vào 11/5 với lý do "bất khả kháng".
Phía Ukraine viện dẫn nguyên nhân cho quyết định nói trên là do những phức tạp vì cuộc xung đột ở nước này.
Theo GTSOU, tình hình hiện tại khiến việc vận chuyển khí đốt qua trạm đo Sochranovka và trạm nén Novopskov nằm trong các vùng lãnh thổ đang có xung đột là không thể.
Diễn biến này đã làm dấy lên những lo ngại rằng xung đột tại Ukraine có thể khiến nguồn cung khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine bị cắt đứt vào thời điểm mà giá năng lượng đang tăng mạnh.
Ukraine vẫn là con đường trung chuyển chính cho khí đốt của Nga đến châu Âu ngay cả khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 vừa qua.