Nga - Khí đốt và câu chuyện địa chính trị

Nước Nga được cho là đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng trên thực tế, vấn đề giá cả chưa bao giờ bị Moscow bỏ qua. Ổn định giá cả năng lượng luôn là câu chuyện nóng, cho dù có là ở đất nước xuất khẩu thứ nhì thế giới. Giá năng lượng quá cao sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và sẽ làm suy yếu công cụ địa chính trị quan trọng của Điện Kremlin.

Theo tờ Financial Times, giá khí đốt tăng vọt và Nga, với tư cách là “nhà cung cấp đáng tin cậy” của Liên minh châu Âu (EU), đang “ngồi ghế nóng”. Bloomberg nhận định, trong khi mùa đông đến gần, các lựa chọn, như sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng bị hạn chế để thiết lập lại các kho dự trữ đang ở mức thấp nhất trong những tháng gần đây, vậy mà lượng khí đốt xuất khẩu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom vẫn tiếp tục giảm trong tháng 9.

Theo đài Deutsche Welle (DW - Đức), EU tiến hành một cách chậm chạp việc thiết lập lại các kho dự trữ khí đốt của mình, trong khi đó Gazprom cũng không vội vàng làm đầy các kho chứa khí đốt ở châu Âu và không tăng thêm năng lực vận chuyển khí đốt qua Ukraine, Belarus và Ba Lan để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh. Cơ quan này giải thích rằng, quả thực chính Nga khi đó đã phải tích trữ khí đốt để dự phòng cho mùa đông, điều này càng làm dấy lên nghi ngờ Moscow cố tìm cách tạo nên tình trạng khan hiếm, đặc biệt là khi Gazprom từ chối bán khí đốt trên thị trường giao ngay.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn năng lượng của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã phủ nhận những cáo buộc thao túng thị trường và cho rằng tính chất không ổn định của năng lượng gió và niềm tin thái quá của các nước châu Âu vào thị trường giao ngay là trong số những nguyên nhân hiện nay. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng Gazprom thậm chí đã thực hiện nhiều hơn các nghĩa vụ hợp đồng của họ đối với EU (tăng 15% số lượng giao hàng), trong khi Mỹ đã bỏ mặc các thị trường châu Âu để thỏa mãn nhu cầu khí đốt của châu Á.

Trong bối cảnh hiện nay, Gazprom cũng phải quan tâm đến việc ổn định thị trường khí đốt.

Nhà kinh tế học Andrei Konoplianik đặt câu hỏi tại sao Nga nên giúp đỡ EU cho dù khối này luôn chỉ trích Nga, áp đặt đối với Nga các biện pháp trừng phạt và một chế độ phân biệt đối xử với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Theo ông, Gazprom hoàn toàn có quyền thực hiện một cuộc “đình công kiểu Ý” và “cung cấp lượng khí đốt theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, không giao nhiều hơn”. Andrei nhận xét: “Sự bất ổn gia tăng của các thị trường năng lượng cho thấy những người ủng hộ mù quáng chính sách “năng lượng xanh” có thể dễ dàng trở thành con tin của chính sách đó!”.

Nhà bình luận của tạp chí Mejdunarodnaya jizn lưu ý: “Ngày càng có nhiều cảnh báo về những rủi ro lớn của việc vội vàng thực hiện những thay đổi triệt để về chính sách năng lượng”, vì “các công ty năng lượng tuyên bố từ chối đầu tư vào các mỏ năng lượng hóa thạch mới và đôi khi họ thông báo ngừng khai thác các mỏ khí đốt hiện có”.

Theo nhà phân tích này, rõ ràng, sự “phát triển năng lượng hỗn hợp toàn cầu sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thế cân bằng sức mạnh về địa chính trị”. Vẫn còn chút nghi ngờ, ông cho rằng việc giá năng lượng truyền thống tăng là yếu tố then chốt của chiến lược này và do vậy, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhanh hơn, vì “những sự kiện vừa qua cho thấy những khẩu hiệu về thắng lợi nhanh chóng của các công nghệ xanh không phải lúc nào cũng có lý!”.

Còn đài DW thì giải thích rằng các nhà chức trách Nga sẽ không có lợi ích gì trong việc gây khó khăn cho các công ty châu Âu hoạt động trong lĩnh vực khí đốt, vốn là những khách hàng của họ. Còn theo chuyên gia về khí đốt tại Trung tâm Năng lượng Skolkovo, Sergei Kapitonov, thì từ cuộc khủng hoảng hiện tại, các nước châu Âu có thể tính đến việc đầu tư vào chuyển đổi năng lượng và từ bỏ không chỉ khí đốt của Nga, mà cả khí đốt nói chung. Đó cũng là lý do vì sao Gazprom quan tâm đến việc ổn định thị trường khí đốt.

Về phần mình, Điện Kremlin ý thức được những thách thức, về sinh thái và địa chính trị, của quá trình chuyển đổi năng lượng vốn sẽ làm suy giảm quyền lực của các nhà sản xuất năng lượng hóa thạch. Càng ngày, vai trò địa chính trị của năng lượng càng được quyết định bởi việc tiếp cận các công nghệ mới, các đất hiếm, cũng như bởi hoạt động vận chuyển năng lượng và khả năng dự trữ năng lượng - những lĩnh vực mà Nga có ưu thế, vì nước này có thể khai thác các mỏ coban và lithium, sản xuất hydro xám và xanh lá cây - đó là những át chủ bài cho phép Nga tính đến một sự hợp tác “cơ trên” với mọi đối tác.

Cũng tại diễn đàn năng lượng nói trên, Tổng thống Putin cho biết đất nước của ông sẽ phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Còn ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie, nhận định rằng những phát biểu của Putin về mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 cho thấy chính quyền Nga ý thức rõ mục tiêu này. Bằng chứng là chương trình quốc gia do Bộ Phát triển kinh tế Nga (MDE) trình bày trong khuôn khổ COP26 vừa qua.

Đối với Nga, nước mà lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ đóng góp 15% GDP trong năm 2020, sự chuyển đổi năng lượng sẽ dẫn đến những đảo lộn lớn, tác động kinh tế và địa chính trị của nó từ nay sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại Nga. Sự gia tăng giá khí đốt hiện nay là sai lầm khiến một số người ở Nga chê bai năng lượng tái tạo và tái khẳng định tính ưu việt của nhiên liệu hóa thạch. Ông này nhấn mạnh rằng, sự kết hợp năng lượng của các quốc gia tiêu thụ đang thay đổi nhanh chóng và Nga phải tham gia việc lựa chọn các tiêu chuẩn cũng như công nghệ mới trong tương lai.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/nga-khi-dot-va-cau-chuyen-dia-chinh-tri-i634864/