Nga khởi động dự án khám phá sao Kim

Nga bắt đầu thiết kế trạm liên hành tinh tự động Venus-D trong dự án khám phá sao Kim với chuyến bay đến hành tinh này dự kiến diễn ra vào năm 2029, TASS dẫn lời người đứng đầu Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga Lev Zelyony.

Nga bắt đầu thiết kế trạm liên hành tinh tự động Venus-D, người đứng đầu Viện nghiên cứu vũ trụ của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), Lev Zelyony cho biết, đồng thời tiết lộ, các cuộc đàm phán với các nhà thầu đang được tiến hành.

"Chúng tôi đang bắt tay vào thiết kế kỹ thuật. Một cuộc họp quan trọng giữa RAS và ban lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos đã diễn ra; chúng tôi đã đưa ra một số quyết định, đặc biệt là về chương trình Venus.", ông Zelyony nói.

Theo nhà khoa học RAS, giai đoạn đầu tiên của chuyến thám hiểm hành tinh sẽ là việc phóng trạm liên hành tinh tự động Venus-D. Các nhà thầu của dự án là Lavochkin NPO và Viện Nghiên cứu vũ trụ dự đoán, việc lập kế hoạch thiết kế có thể mất hai năm.

"Chúng tôi hy vọng rằng tàu vũ trụ đầu tiên sẽ bay đến sao Kim vào năm 2029", nhà khoa học nói.

Sao Kim. Ảnh: Rich Bamford Flickr.

Sao Kim. Ảnh: Rich Bamford Flickr.

Chương trình Sao Kim trước hết nhằm khai thác mẫu đất của hành tinh này mang về Trái đất.

Vào năm 2020, Zelyony nói với TASS rằng, Nga lên kế hoạch cho một chương trình thám hiểm sao Kim mới, bao gồm việc phóng ít nhất ba tàu vũ trụ khoa học.

Trước đó, Giám đốc điều hành Roscosmos Dmitry Rogozin nói, Nga có kế hoạch gửi sứ mệnh riêng của mình trở lại Sao Kim, ngoài dự án Venus-D chung với Mỹ. Roscosmos nhấn mạnh, Nga không từ chối hợp tác với Mỹ trong dự án Venus-D, nhưng có kế hoạch từ chối hợp tác quốc tế trên phạm vi rộng về sứ mệnh này.

Trạm liên hành tinh Venus-D. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.

Trạm liên hành tinh Venus-D. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.

Sao Kim (còn gọi là sao Mai/ sao Hôm/ Kim tinh/ sao Thái Bạch) là hành tinh thứ hai trong Hệ Mặt trời, tự quay quanh nó với chu kỳ 224,7 ngày Trái Đất. Sao Kim được xếp vào nhóm hành tinh đất đá, từng được coi là "hành tinh chị em" với Trái Đất do kích cỡ, gia tốc hấp dẫn, tham số quỹ đạo gần giống với Trái Đất.

Mật độ không khí trong khí quyển của sao Kim lớn nhất trong số 4 hành tinh đất đá với thành phần chủ yếu là cacbon điôxít. Áp suất khí quyển tại bề mặt hành tinh cao gấp 92 lần so với của Trái Đất. Với nhiệt độ bề mặt trung bình bằng 462°C, Sao Kim là hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt trời.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-khoi-dong-du-an-kham-pha-sao-kim-102316.html