Nga không gặp vấn đề gì khi chuyển S-400 cho Iran
Theo Đại sứ Nga Levan Dzhagaryan tại Iran, Moscow sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì khi chuyển giao hệ thống S-400 cho khách hàng Iran.
Tuyên bố trên được Đại sứ Levan Dzhagaryan đưa ra khi bình luận về những khó khăn và đe dọa từ Mỹ và phương Tây về thương vụ hệ thống phòng thủ giữa Nga và Iran, đặc biệt là khi chuyển giao.
"Như các bạn đã biết, hệ thống S-300PMU-2 được chuyển giao trước đó, Nga và Iran đều không gặp vấn đề gì và bây giờ là S-400, mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ như vậy", vị đại sứ Nga nói.
Bình luận về những lời đe dọa của Mỹ sẽ gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không bị đe dọa bởi bất kỳ thế lực nào, sẽ thực hiện tốt cam kết từ phía Iran.
Nói về khả năng vận hành S-400 khi được tiếp nhận của Iran, ông Dzhagaryan cho rằng, Tehran đã có kinh nghiệm với các thiết bị và vũ khí Nga sản xuất, bao gồm cả hệ thống S-300PMU-2.
"Vì vậy, khách hàng của chúng tôi sẽ nhanh chóng vận hành S-400 với tất cả sức mạnh của hệ thống phòng thủ này", Đại sứ Nga Levan Dzhagaryan nhấn mạnh.
Dù chưa rõ các cuộc đàm phán của Nga với Iran về S-400 đã đến giai đoạn nào nhưng tờ Breaking Defense viết rõ, Mỹ, Israel và UAE đang rất lo ngại viễn cảnh Iran sở hữu S-400 Triumf thành sự thật.
Trong thời gian qua, Tehran đã cố gắng mua tổ hợp phòng không S-400 Triumf từ Nga cũng như để mắt đến HQ-9. "Hiện nay khi lệnh cấm vận vũ khí chấm dứt, Moscow có thể nắm bắt cơ hội bán S-400 cho Tehran đi kèm máy bay chiến đấu Su-35 hay thậm chí cả Su-57 và các loại vũ khí tối tân khác", Breaking Defense bình luận.
Giới phân tích cho rằng Tehran có khả năng sẽ sử dụng vũ khí này để leo thang các cuộc tấn công nhằm vào Quân đội Mỹ và các đối tác của Washington trong khu vực.
Có thể xuất hiện một mối nguy hiểm đối với hàng không Israel, vì vậy "trước những nguy cơ sắp xảy ra", Bộ Quốc phòng Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Israel đã bắt đầu chuẩn bị "cho các kịch bản có thể xảy ra".
Ví dụ được ấn phẩm Breaking Defense trích dẫn chính là cuộc tập trận chung của Mỹ và Israel nhằm thực hành các bài tấn công của F-35 chống lại "hệ thống phòng không tinh vi và máy bay chiến đấu của đối phương trước khi tiêu diệt các mục tiêu mặt đất", sự kiện này diễn ra vào đầu tháng 8/2020 ở Israel.
Theo giới phân tích, khả năng của tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 do Mỹ sản xuất là rất đáng gờm, nhưng rõ ràng tên lửa phòng không và chiến đấu cơ của Nga không phải đối thủ dễ bắt nạt.
"Trong nhiều tình huống thực chiến, F-35 sẽ phải đánh bại hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của Iran để tạo điều kiện cho các cuộc tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào các mục tiêu mặt đất, đây là nhiệm vụ khó khăn", chuyên gia của Breaking Defense bình luận.