Nga không kỳ vọng vào 'đột phá thần kỳ' trong đàm phán với Ukraine
Tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin không có dấu hiệu sẽ đưa Nga và Ukraine tiến gần hơn tới hòa bình. Vòng đàm phán trực tiếp giữa các quan chức Nga và Ukraine được tổ chức ở Istanbul hôm 23/7 hầu như không thu được nhiều kết quả. Hai bên chỉ gặp nhau chưa tới 1 giờ.
Đàm phán Nga – Ukraine bế tắc
"Chúng tôi không đạt được tiến triển trong việc dừng các hoạt động giao tranh hoặc ngừng bắn", ông Rustem Umerov, quan chức cấp cao dẫn đầu phái đoàn Ukraine phát biểu kết thúc cuộc đàm phán. Ông cho biết nhiều cuộc gặp và 6 tháng làm việc đã không đưa hai bên tiến gần hơn với việc chấm dứt xung đột. Theo ông Umerov, Ukraine một lần nữa đã đưa ra đề nghị để Tổng thống Volodymyr Zelensky gặp mặt ông Putin, song Moscow vẫn không sẵn lòng chấp nhận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sky News
Tình thế bế tắc này đã cho thấy những cảnh báo gần đây của ông Trump gần như không thể thúc đẩy Nga đưa ra nhượng bộ. Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa sẽ áp thuế 100% lên các đối tác thương mại hàng đầu của Nga nếu thỏa thuận hòa bình không đạt được trong 50 ngày và cho biết ông sẽ làm việc với các đồng minh châu Âu để cung cấp tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine.
Đe dọa trên là nỗ lực mới nhất của ông Trump để gia tăng sức ép lên Tổng thống Putin giữa bối cảnh Nga đẩy mạnh tấn công vào Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump tuyên bố ông sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột nếu tái đắc cử. Tuy nhiên, hầu như rất ít kết quả đạt được sau hàng loạt cuộc gặp giữa các quan chức Nga và Ukraine, cũng như các cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin.
Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng Nga và Ukraine chỉ trao đổi với nhau vì ông Trump.
"Nga và Ukraine có những cuộc trao đổi trực tiếp lần đầu tiên trong nhiều năm nhờ Tổng thống Trump", Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly cho hay, đồng thời nói rằng Tổng thống Trump đưa ra đe dọa bởi ông muốn chấm dứt cảnh giết chóc ở Ukraine.
Nga kiên quyết với các yêu cầu tối đa, theo đó, bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột đều phải giải quyết những "nguyên nhân gốc rễ". Hiện nay, Moscow vẫn tiến công ổn định trên tiền tuyến và tăng cường không kích các thành phố của Ukraine.
"Hiện tại, đây vẫn chỉ là sự tiếp diễn của một vở kịch ngoại giao. Ít nhất là ở phía Nga, Tổng thống Putin vẫn chưa quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận nào không theo các điều khoản của ông ấy", ông Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Nga và Á - Âu thuộc Quỹ Carnegie nhận định.
Quyết định của Tổng thống Trump
Trong khi Tổng thống Trump ngày càng bày tỏ sự thất vọng với các cuộc tấn công dồn dập của Nga vào Ukraine thì nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa thực hiện các biện pháp gây sức ép với Moscow để chấm dứt xung đột, một số nhà phân tích cho hay.
"Ông ấy rất có thể sẽ tiếp tục trì hoãn và cố gắng chờ xem điều gì xảy ra thay vì chủ động đầu tư vào chiến lược duy nhất khả thi để đạt được hòa bình theo những điều kiện mà Ukraine có thể chấp nhận, đó là hỗ trợ Ukraine làm suy yếu lực lượng Nga đến mức họ không thể giành thêm bất kỳ lãnh thổ nào", ông Gabuev nói.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã đề xuất một dự luật áp thuế 500% lên Nga và các đối tác thương mại của nước này nhưng các thượng nghĩ đảng Cộng hòa chưa vội thúc đẩy đề xuất trên do sự phản đối của Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ đảm bảo với các nghị sĩ rằng ông sẽ có những hành động riêng để trừng phạt Moscow.
“Tổng thống Trump đã quan tâm sâu sắc đến cuộc xung đột này ngay từ đầu nên bất kỳ quyết định nào liên quan đến lệnh trừng phạt, Tổng thống đều muốn tự mình đưa ra", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết.
Các mức thuế với các đối tác của Nga sẽ làm leo thang thêm cuộc chiến thương mại vốn đã phức tạp, trong đó ông Trump nhiều lần rút lại các lời đe dọa của mình. Một số đối tác thương mại lớn nhất của Nga gồm Trung Quốc và Ấn Độ.
Các tên lửa Patriot mà ông Trump cam kết cung cấp sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không của Ukraine nhưng sẽ không làm thay đổi cán cân xung đột. Các quan chức cấp cao Mỹ và châu Âu cảnh báo, kho UAV và tên lửa của Nga đang tấn công vào các thành phố của Ukraine áp đảo số lượng tên lửa Patriot mà phương Tây có thể chuyển cho Kiev. Để chấm dứt các cuộc tấn công của Nga, phương Tây sẽ cần cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa để tấn công các địa điểm phóng và sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Mỹ chưa sẵn sàng hành động.
Kỳ vọng vào một đột phá trong cuộc đàm phán hôm 23/7 chỉ ở mức thấp. Nga đã tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của các cuộc thương lượng ngay cả trước khi chúng bắt đầu. “Chúng tôi không có lý do gì để trông đợi vào một đột phá thần kỳ", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay một ngày trước khi hai phái đoàn gặp nhau.
Lập trường khác biệt của hai bên
Ukraine đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Umerov đại diện nước này trong các vòng đàm phán trước đó tại Istanbul hồi tháng 6. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Zelensky đã điều chuyển ông Umerov sang vai trò cố vấn, giữ chức Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng. Dẫn đầu phái đoàn Nga là ông Vladimir Medinsky, một trợ lý theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Putin. Hai bên cuối cùng nhất trí trao đổi tù binh và thi thể binh lính tử trận. Trong những tuần kể từ đó, Ukraine đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái dồn dập của Nga, gây áp lực lớn lên hệ thống phòng không của nước này.
Cuộc đàm phán hồi tháng 6 diễn ra chỉ một ngày sau khi Ukraine cho biết, nước này đã thực hiện một cuộc tấn công táo bạo bằng máy bay không người lái vào sâu trong lãnh thổ Nga, khiến một phần hạm đội máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân của Moscow bị vô hiệu hóa. Vụ tấn công đã nâng cao tinh thần của Ukraine, nhưng Nga đã đưa ra một loạt điều kiện khắt khe trong cuộc đàm phán.
Tổng thống Zelensky cho biết đầu tuần này rằng chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán đã rõ ràng: trao trả tù binh, đưa các trẻ em bị Nga bắt đi trở lại Ukraine và chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Putin.
Ông Putin từng từ chối lời đề nghị gặp trực tiếp từ phía ông Zelensky và tuyên bố không coi ông là nhà lãnh đạo hợp pháp với lý do Ukraine - hiện đang trong tình trạng thiết quân luật đã không tổ chức bầu cử mới sau khi nhiệm kỳ 5 năm của ông Zelensky kết thúc vào năm ngoái. Nga cũng phủ nhận cáo buộc bắt cóc trẻ em.
Điện Kremlin trong tuần này tuyên bố không nên kỳ vọng vào những “phép màu” từ các cuộc đàm phán.
Tại cuộc gặp trước đó, Nga đã trao cho Ukraine một bản ghi nhớ nêu rõ các yêu cầu chính, bao gồm: rút hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập; hạn chế quy mô quân đội Ukraine; đảm bảo quyền lợi cho người nói tiếng Nga tại Ukraine và chấp nhận vị thế trung lập, đứng ngoài NATO hoặc bất kỳ liên minh nào khác.
Phía Ukraine coi những điều kiện đó chẳng khác nào một sự đầu hàng và Tổng thống Zelensky gọi lập trường của Nga là một “tối hậu thư”. Kiev yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, bồi thường thiệt hại, bảo đảm an ninh quốc tế và không bị áp đặt bất kỳ giới hạn nào đối với sức mạnh quân sự của mình.