Nga tái xuất 'quái vật biển' thời Hải quân Liên Xô sau 26 năm ngủ yên

Ngày 25/7, Hải quân Nga hạ thủy siêu tàu tuần dương hạt nhân Đô đốc Nakhimov, thuộc Dự án 11442M lớp Kirov, sau 26 năm 'ngủ đông' và được đại tu toàn diện.

Đô đốc Nakhimov không chỉ là tàu chiến mặt nước lớn nhất thế giới hiện nay, mà còn đại diện cho di sản huy hoàng cuối cùng của Hải quân Liên Xô.

Tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov của Hải quân Nga. (Nguồn: MW)

Tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov của Hải quân Nga. (Nguồn: MW)

Việc phục hồi Đô đốc Nakhimov từng được coi là một nhiệm vụ gần như bất khả thi, khi Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau khi Liên Xô tan rã. Trong suốt nhiều năm, con tàu gần như bị bỏ quên, chỉ neo đậu một chỗ, không được bảo trì.

Mãi đến năm 2013, công việc hiện đại hóa mới chính thức bắt đầu. Thời gian trì hoãn kéo dài không chỉ do thiếu kinh phí mà còn vì ngành công nghiệp đóng tàu Nga hậu Xô Viết bị suy giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ nỗ lực, Đô đốc Nakhimov đã trở lại đầy uy lực, sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm trên biển trước khi chính thức tái gia nhập hạm đội.

Giới lãnh đạo quân sự Nga xem đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình phục hồi năng lực hải quân. Giám đốc điều hành Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (UGC), ông Andrey Kostin, nhận định rằng Nga đang đạt được những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, trong đó việc hoàn tất cải tạo Đô đốc Nakhimov là một trong những điểm sáng nổi bật nhất.

Với lượng giãn nước lên tới 28.000 tấn, Đô đốc Nakhimov có kích thước tương đương tàu sân bay lớp Izumo của Nhật Bản, lớn gấp ba lần tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ.

Không chỉ đồ sộ, con tàu còn sở hữu sức mạnh hỏa lực vượt trội, mà khó có chiến hạm mặt nước nào trên thế giới hiện nay có thể sánh kịp.

Tổng cộng 176 ống phóng tên lửa được tích hợp, bao gồm 96 ống dành cho các tên lửa đất đối không thuộc biến thể hải quân của hệ thống S-400, cùng 80 ống phóng cho tên lửa hành trình, nhiều khả năng là loại siêu thanh Zircon tầm xa. Chính vũ khí siêu thanh này được xem là yếu tố then chốt giúp tàu Nga chiếm ưu thế tuyệt đối trong các cuộc đối đầu chống hạm hiện đại.

Ngay từ năm 2021, giới chuyên gia Nga đã đánh giá Nakhimov có tiềm năng hiện đại hóa rất cao. Giám đốc thiết kế của Cục Thiết kế Severnoye từng khẳng định rằng, cấu trúc nguyên bản của tàu đã cho phép tích hợp các vũ khí tiên tiến nhất, biến nó thành tàu chiến mặt nước mạnh nhất thế giới – một "pháo đài nổi" giữa đại dương.

Lớp tàu Kirov là một trong những di sản ấn tượng cuối cùng của Hải quân Liên Xô, lực lượng từng được xếp vào hàng "hải quân đại dương" lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Trong giai đoạn đỉnh cao, Liên Xô từng đóng tới năm tàu chiến hạt nhân cỡ lớn, đồng thời khởi động chương trình phát triển tàu sân bay hạt nhân đầu tiên vào cuối những năm 1980. Thế nhưng, khi Liên Xô rơi vào khủng hoảng kinh tế, phần lớn các tàu lớp Kirov không thể duy trì hoạt động. Ba chiếc bị tháo dỡ, chỉ còn lại Đô đốc Nakhimov và Pyotr Veliky được giữ lại.

Bộ Quốc phòng Nga ban đầu dự kiến hiện đại hóa cả hai, nhưng đến tháng 7/2023, quyết định cắt giảm ngân sách, một phần vì chiến sự ở Ukraine, khiến kế hoạch cải tạo Pyotr Veliky bị hủy bỏ. Con tàu này sẽ sớm bị loại biên, nhường lại sân khấu cho "người anh em" vừa hồi sinh.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-tai-xuat-quai-vat-bien-thoi-hai-quan-lien-xo-sau-26-nam-ngu-yen-1692507251853436.htm