Nga kiểm soát Luhansk, cáo buộc phương Tây ngăn Ukraine hòa đàm

Nga vừa có bước thắng thế quan trọng khi kiểm soát hoàn toàn tỉnh Luhansk - một trong hai tỉnh hình thành nên vùng Donbass ở đông Ukraine.

Hãng thông tấn quốc gia Ukraine Ukrinform dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine trên Facebook cho biết sau nhiều ngày giao tranh dữ dội tại Lysychansk, quân Ukraine phải rút lui khỏi TP này và bảo vệ biên giới.

Đài RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 3-7 rằng ông đã báo cáo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “những tàn dư cuối cùng của lực lượng Ukraine” đã bị đẩy lùi khỏi Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, tức tỉnh Luhansk của Ukraine.

Nhà cửa tại TP Lysychansk thuộc tỉnh Luhanks, vùng Donbass (đông Ukraine) bị hư hại vì không kích ngày 3-7. Ảnh: CNN

Nhà cửa tại TP Lysychansk thuộc tỉnh Luhanks, vùng Donbass (đông Ukraine) bị hư hại vì không kích ngày 3-7. Ảnh: CNN

Sau Luhansk sẽ tới Donetsk?

Ukraine rút khỏi Lysychansk đến chỉ một tuần sau khi rút khỏi TP Severodonetsk cũng thuộc tỉnh Luhansk. Như vậy phía Nga đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Luhansk ở đông Ukraine. Ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng do Nga hậu thuẫn, cũng tuyên bố rằng nước cộng hòa tự xưng này “đã được giải phóng”.

Luhansk là một trong hai khu vực hình thành nên Donbass, miền đông của Ukraine, nơi bắt đầu cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn vào năm 2014.

Phần lớn cơ quan truyền thông phương Tây như hãng tin Reuters, đài CNN, hãng tin AP… đều đánh giá rằng việc kiểm soát Luhansk là một chiến thắng chính trị của Nga, đưa Nga tiến gần hơn đến việc đạt được mục tiêu chiếm Donbass, là chìa khóa để đạt được mục tiêu chính của Nga trong cuộc chiến do nước này phát động.

Theo AP, việc Nga chiếm giữ hoàn toàn Luhansk sẽ cung cấp cho quân Nga một căn cứ vững chắc hơn để thúc đẩy đà tiến công ở Donbass, một khu vực nhiều nguồn lực - như mỏ, nhà máy - mà Tổng thống Putin mong muốn kiểm soát và có thể quyết định đường đi của toàn bộ cuộc chiến.

Cụ thể, việc kiểm soát được Luhansk sẽ mang lại cho phía Nga nhiều sức mạnh bàn đạp hơn để từ đó tăng cường các cuộc tấn công vào tỉnh Donetsk (thuộc vùng Donbass, đông Ukraine). Trong những tuần gần đây, các lực lượng Nga được cho là đã nắm giữ khoảng một nửa Donetsk. Ukraine vẫn kiểm soát lãnh thổ đáng kể ở Donesk.

Bà Tatyana Ignatchenko, người phát ngôn chính quyền tỉnh Donetsk, nói với đài Ukrainian TV rằng hiện các lực lượng Nga dường như đang đẩy mạnh đà tấn công ở Donetsk, tập trung tấn công bằng tên lửa vào TP Slovyansk do Ukraine quản lý. Một TP lớn khác ở tỉnh Donetsk là Kramatorsk cũng bị tấn công dữ dội.

Nếu Nga thắng ở Donbass, Ukraine sẽ không chỉ mất đất mà còn có thể mất phần lớn lực lượng quân sự có năng lực nhất của mình và Moscow có thể nhân đó mà mở rộng đà tấn công kiểm soát thêm lãnh thổ hay thắng thế hơn với Kiev khi đối thoại.

Viễn cảnh hòa đàm còn xa

Ngày 3-7, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc rằng phương Tây ngăn cản Ukraine quay lại hòa đàm với Nga, thậm chí làm cho Ukraine không nghĩ đến bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào, theo đài RT. Theo ông Peskov, vị thế của các quốc gia phương Tây - do Mỹ đứng đầu dẫn đến một tình huống mà họ “không cho phép người Ukraine suy nghĩ, nói về hòa bình hoặc thảo luận về hòa bình”.

Đài RT dẫn ra việc người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 3-7 có phát ngôn rằng phía Mỹ tin còn quá sớm để thảo luận về khả năng hòa đàm giữa Moscow và Kiev, vì không bên nào sẵn sàng.Trong khi đó, trao đổi với đài Fox News ngày 3-7, khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có nên “thúc đẩy” Nga và Ukraine hòa đàm hay không, ông Kirby nói rằng “vai trò của Mỹ không phải là thúc ép Ukraine dàn xếp đàm phán với Nga, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden cho rằng đó là điều đúng đắn”.

Cả Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định rằng quân Ukraine nhất định sẽ trở lại vùng Donbass nhưng sẽ phải cần có nguồn lực vật chất và kỹ thuật để chiến thắng.

Ông Kirby nêu quan điểm của Mỹ là “Tổng thống Zelensky phải xác định chiến thắng được quyết định như thế nào và khi nào và theo những điều khoản nào”. Thay vào đó, những gì Mỹ sẽ làm là “tiếp tục hỗ trợ Ukraine”, đảm bảo Ukraine thắng thế trên chiến trường để có thể thành công trên bàn đàm phán. Ông Kirby cũng đánh giá rằng thời điểm này không chỉ lãnh đạo Ukraine mà cả lãnh đạo Nga đều “không có dấu hiệu” quan tâm đến chuyện khôi phục hòa đàm.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF (Đức) ngày 3-7, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói rõ rằng “phải có một triển vọng cho các cuộc đàm phán” nhưng chính Ukraine mới quyết định được khi nào nước này ngồi vào bàn đàm phán, các đối tác phương Tây sẽ không thúc ép Kiev. Tổng thống Steinmeier cũng nói thêm rằng Đức sẵn sàng hỗ trợ Ukraine để nước này có thể tiếp cận đàm phán với vị thế vững vàng.

Ông Peskov cũng đề cập chuyện Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không còn gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Putin nữa và gọi đây là một dấu hiệu nữa cho thấy các nhà lãnh đạo phương Tây không quan tâm đến việc đạt được hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán. Nói với kênh Rossiya 1 của Nga, ông Peskov cho rằng “hiện tại, các quốc gia phương Tây đang tích cực đặt cược vào việc tiếp tục chiến tranh”.

Dù thế, ông Peskov nói Nga tin rằng “lẽ thường” cuối cùng sẽ chiếm ưu thế và các bên sẽ quay lại bàn đàm phán và “chúng tôi chắc chắn… rằng thời gian cho các cuộc đàm phán sẽ đến”. Song cũng theo ông này, để điều đó xảy ra, phía Ukraine sẽ phải “hiểu một lần nữa” tất cả yêu cầu mà Moscow đưa ra trước đó. Ý ông Peskov muốn đề cập đến phát ngôn của ông ngày 28-6 rằng nếu Ukraine ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí và đáp ứng các yêu cầu của Nga, toàn bộ cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào cuối ngày hôm đó.

Đáp lại phát ngôn của ông Peskov, ngày 3-7, ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine đưa ra danh sách các điều kiện để nước này quay lại bàn đàm phán. Các điều kiện này là: Ngừng bắn; rút quân; trả lại công dân bị bắt cóc; dẫn độ tội phạm chiến tranh; có cơ chế bồi thường; công nhận quyền chủ quyền của Ukraine.

Với các diễn biến trên chiến trường và quan điểm ngoại giao thế này thì chưa có gì chắc chắn cho khả năng hòa đàm được khôi phục hay cho viễn cảnh kết thúc xung đột.•

Nga cáo buộc Ukraine bắn tên lửa sang hai tỉnh của mình

CNN dẫn lời người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov rằng trong ngày 3-7, các lực lượng Ukraine đã dùng tên lửa đạn đạo Tochka-U với đạn chùm và máy bay không người lái tấn công vào tỉnh Belgorod và tỉnh Kursk của Nga.

Ông Konashenkov cho biết ba tên lửa đạn đạo phóng vào tỉnh Belgorod đã bị hệ thống phòng không của Nga phá hủy trên không nhưng mảnh vỡ của một trong những tên lửa rơi xuống một tòa nhà dân cư trong TP. Theo ông Vyacheslav Vladimirovich Gladkov - tỉnh trưởng tỉnh Belgorod thì các mảnh vỡ tên lửa đã giết chết bốn người.

Cũng theo ông Konashenkov, các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy hai máy bay không người lái của quân Ukraine khi chúng tiếp cận tỉnh Kursk, cách Belgorod khoảng 130 km về phía bắc. Tỉnh trưởng tỉnh Kursk Roman Starovoit cho biết thị trấn Tetkino giáp biên giới Ukraine đã bị bắn đạn cối.

CNN cho biết không thể xác nhận một cách độc lập những thông tin trên. Quân đội Ukraine chưa bình luận.

Ngày trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc Ukraine tấn công tên lửa vào các cơ sở quân sự nước này hai ngày trước đó và phía Belarus đã đánh chặn.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-kiem-soat-luhansk-cao-buoc-phuong-tay-ngan-ukraine-hoa-dam-post687490.html