Nga lần đầu hé lộ về nhà máy sản xuất UAV 'bí ẩn và lớn nhất thế giới'
Trong phim tài liệu phát sóng trên kênh Zvezda hôm 20/7 về ngành công nghiệp quân sự Nga, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái (UAV), hình ảnh nhà máy sản xuất UAV lớn nhất nước Nga, thậm chí lớn nhất thế giới, đã được hé lộ.

Thân máy bay được đúc trong nhà máy. Ảnh: Wforum.
Đây là nơi cho ra đời những chiếc UAV Geran-2 nổi tiếng - phiên bản Nga của mẫu Shahed-136 của Iran - được xem là “vũ khí lợi hại” hiệu quả nhất mà Nga sử dụng trong các chiến dịch đặc biệt nhằm vào hàng loạt mục tiêu của Ukraine. Nhà máy này không chỉ là trung tâm sản xuất UAV lớn nhất của Nga mà còn được tuyên bố là lớn nhất toàn cầu, với những hình ảnh mô tả quy mô và nhịp độ sản xuất đáng kinh ngạc.
Nhà máy này tọa lạc trong khu kinh tế đặc biệt Alabuga, thuộc Cộng hòa Tatarstan, Nga. Trong phóng sự được phát trên truyền hình, ông Timur Shagivaleev, Tổng giám đốc nhà máy, tuyên bố: “Đây là nhà máy sản xuất UAV tấn công lớn nhất và bí ẩn nhất thế giới”.
Ông nói thêm: “Ban đầu chúng tôi chỉ dự kiến sản xuất vài nghìn chiếc UAV Geran, nhưng hiện nay sản lượng đã tăng gấp 9 lần kế hoạch ban đầu”. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết cụ thể về con số sản phẩm được sản xuất.

Công nhân vận chuyển thân máy bay. Ảnh: Wforum.
Nội địa hóa toàn bộ sản phẩm
Nhà máy này được ví như một “thế giới khép kín”, với đầy đủ mọi công đoạn từ đầu đến cuối hoàn chỉnh: xưởng đúc thân động cơ nhôm Gueran, có xưởng luyện thép chế tạo linh kiện, khu lắp ráp động cơ, tự sản xuất vi linh kiện điện tử và dây dẫn điện, thậm chí có cả đường băng thử nghiệm UAV riêng, nơi những chiếc Geran sẵn sàng cất cánh từ các nhà chứa máy bay tại chỗ. “Đây là một cơ sở thực tế, toàn diện và minh bạch”, ông Shagivaleev nhấn mạnh.
Đặc biệt, toàn bộ dự án này trước đó chưa từng được Bộ Quốc phòng Nga trực tiếp triển khai hay chỉ đạo thực hiện, cũng không dựa vào các nhà máy có sẵn, mà được xây dựng hoàn toàn mới từ con số 0 trong khu kinh tế Alabuga. Trước tháng 2/2022, khu này vốn được coi là nơi thu hút các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đến Nga, nhằm phát triển ngành công nghiệp tại chỗ thay thế sản phẩm nhập khẩu.
Theo ông Shagivaleev, Bộ Quốc phòng Nga đã sớm dự đoán rằng xung đột Nga–Ukraine sẽ diễn biến thành một “cuộc chiến tranh giữa các UAV”, nên đã chủ động chuẩn bị để nắm giữ quân bài chiến lược.
“Cuộc chiến này sẽ kéo dài, vì vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị trước”, ông nói. “Hiện nay đang diễn ra một cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại – trong tương lai tất cả sẽ được thực hiện bằng thiết bị không người lái”.
Hình ảnh bên trong "nhà máy sản xuất UAV lớn nhất thế giới". Nguồn: Wforum.
UAV Geran có gì đặc biệt?
Trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”, quân đội Nga phổ biến việc sử dụng UAV Geran để tấn công các mục tiêu ở hậu phương và tiền tuyến của Ukraine. Lý do nằm ở khả năng loại UAV này có thể sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, thiết kế đơn giản.
Các mục tiêu bị UAV Geran nhắm đến bao gồm: cơ sở hạ tầng, nơi đóng quân, kho đạn, thiết bị chiến tranh, sân bay, bãi phóng UAV và các trung tâm động viên của Ukraine.
Với tiếng ồn khá lớn đặc trưng khi bay, UAV Geran được binh sĩ Ukraine mỉa mai gọi là “xe máy biết bay”. Hồi đầu tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các UAV nội địa của Nga đã đạt đến trình độ hàng đầu thế giới: “Trong vài năm gần đây, các kỹ sư và nhà thiết kế của chúng ta đã đạt được đột phá lớn. Trong một số khía cạnh, UAV của Nga đã vượt mặt các sản phẩm tương tự của nước ngoài và thậm chí bị nước ngoài sao chép công nghệ”.
Tháng 2 năm ngoái, ông Putin cũng khẳng định tầm quan trọng của các sáng kiến như Alabuga – nơi các chuyên gia trẻ có thể học tập, phát triển và phục vụ đất nước. “Đây là mô hình mẫu mực cần được nhân rộng”, ông tuyên bố.
Việc Nga hé lộ hình ảnh về nhà máy UAV lớn nhất thế giới không chỉ là đòn răn đe mà còn thể hiện quyết tâm chuyển dịch chiến tranh sang không gian không người lái. Trong bối cảnh chiến trường Ukraine đang chứng kiến sự bùng nổ của UAV từ cả hai phía, Nga rõ ràng đang đặt cược vào sản xuất số lượng lớn, chi phí thấp và tự chủ công nghệ, để chiếm ưu thế chiến lược lâu dài.