Iran nối lại đàm phán hạt nhân với châu Âu, cảnh báo nguy cơ bất ổn khu vực nếu bị trừng phạt

Iran xác nhận sẽ tiến hành vòng đàm phán mới với 3 quốc gia châu Âu gồm Đức, Pháp và Anh (nhóm E3) về chương trình hạt nhân vào ngày 25/7 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei. (Nguồn: Tehran Times)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei. (Nguồn: Tehran Times)

Truyền hình nhà nước Iran ngày 21/7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Esmail Baghaei cho biết: “Đáp lại đề nghị từ các nước châu Âu, Iran đã đồng ý tiến hành một vòng đàm phán mới”. Theo ông, cuộc họp sẽ diễn ra ở cấp thứ trưởng ngoại giao.

Trong khi đó, nguồn tin ngoại giao của Đức cho biết, nhóm 3 nước nói trên "đang liên lạc với Iran để sắp xếp các cuộc đàm phán tiếp trong tuần tới”. Nhóm E3 đang thúc đẩy nối lại đàm phán với Iran để đạt “một thỏa thuận mạnh mẽ, có thể kiểm chứng và bền vững” về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trước đó, nhóm E3 tuyên bố sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran vào cuối tháng 8 nếu Tehran không tiến hành những cuộc đàm phán hiệu quả về chương trình hạt nhân với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Trong những tháng gần đây, nhóm E3 và Iran đã có những cuộc đàm phán không mang lại kết quả về chương trình hạt nhân của Iran, song song với tiến trình đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa nước này và Mỹ. Cuộc tấn công của Israel vào Iran hồi tháng 6 dẫn đến đình trệ những cuộc đàm phán nêu trên.

Trước đe dọa của E3, ông Abbas Moqtadaei, thành viên của Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran, cảnh báo, Tehran có thể trì hoãn các cam kết an ninh nếu E3 kích hoạt cơ chế của Liên hợp quốc để tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Ông Moqtadaei tuyên bố: “Chúng tôi có nhiều công cụ trong tay và có thể trì hoãn cam kết về an ninh liên quan vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz cũng như các khu vực hàng hải khác trong khu vực”.

Quan chức Iran cũng nhận định châu Âu sẽ không muốn gây nguy hiểm cho mình ở eo biển Hormuz khi chính họ đang vướng vào các cuộc xung đột chính trị, kinh tế và văn hóa với Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Mỹ.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/iran-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-voi-chau-au-canh-bao-nguy-co-bat-on-khu-vuc-neu-bi-trung-phat-321781.html