Nga lộ điểm yếu phòng thủ, Ukraine chớp thời cơ tấn công dồn dập
Các cuộc tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các mục tiêu ở St. Petersburg và nhiều khu vực khác của Nga đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Moscow có buộc phải rút các hệ thống phòng không gần tiền tuyến để bảo vệ các thành phố hay không.
Nga lộ điểm yếu phòng thủ
Tờ Financial Times đưa tin, Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga, cho biết họ đã tạm dừng hoạt động tại kho cảng Ust-Luga ở Leningrad sau các vụ nổ và hỏa hoạn do tác động từ bên ngoài vào hôm 22/1. Kho cảng xuất khẩu nhiên liệu khổng lồ này nằm trên vịnh Phần Lan (một phần của biển Baltic), cách thành phố St. Petersburg khoảng 170 km về phía Tây.
Giới chức Nga cho biết, đám cháy đã được dập tắt, tuy nhiên, phải mất đến vài tuần để công ty Novatek khôi phục lại hoạt động. Trước đó vào ngày 18/1, Ukraine được cho là đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa vào một cảng dầu mỏ tại thành phố St. Petersburg – thành phố lớn thứ hai của Nga.
Một nguồn tin quân sự giấu tên của Ukraine cho biết, các vụ tấn công này đã mở ra “giai đoạn mới” trong cuộc xung đột và giai đoạn này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào kho máy bay không người lái tấn công một chiều tầm xa ngày càng đa dạng. Người phát ngôn của lực lượng Ukraine, Đại tá Yuri Ignat cho rằng, sở dĩ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine phát huy tác dụng có thể là do hệ thống phòng không của Nga không đủ tầm bao phủ.
Theo Kyiv Independent, hiện, Nga chủ yếu sử dụng các hệ thống phòng không để bảo vệ những mục tiêu gần tiền tuyến và bán đảo Crimea. “Nga đã lấp đầy tiền tuyến và bán đảo Crimea bằng mạng lưới phòng không, nhưng trên lãnh thổ của họ những hệ thống này lại rất mỏng”, ông Ignat lưu ý.
Viện Nghiên cứu Chiến Tranh (ISW) cho rằng, hệ thống phòng không của Nga ở bên trong và xung quanh thành phố St. Petersburg hầu như được bố trí để bảo vệ Moscow trước các cuộc tấn công từ NATO chứ không phải từ Ukraine. Vì thế họ có thể phải rút các hệ thống từ những nơi khác sang để tăng cường phòng thủ ở cảng biển Baltic.
ISW nhận định: “Các hệ thống phòng không của Nga ở tỉnh Leningrad có thể đã được bố trí để chống lại các cuộc tấn công từ phía Tây Bắc và phía Tây. Trước đây Nga đã lắp đặt các hệ thống phòng không trong khu vực để chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra từ NATO. Quân đội Nga hiện đang cải tổ Quân khu Leningrad (LMD) với mục đích rõ ràng là chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai với NATO”.
Tuy vậy, cuộc tấn công của Ukraine vào Leningrad có thể khiến Nga phải xem xét tái bố trí các hệ thống phòng không tầm ngắn dọc theo đường bay của máy bay không người lái Ukraine để bảo vệ những mục tiêu tiềm năng có giá trị chiến lược. Những hệ thống phòng không tầm ngắn như Pantsir không thể bao phủ tất cả các mục tiêu quan trọng ở tỉnh Leningrad. Vì thế Nga có thể cần đưa các hệ thống bổ sung vào khu vực này.
Buộc Nga phải rút các hệ thống vũ khí phòng không ra khỏi khu vực chiến tuyến là một trong những chiến lược mà Ukraine đã lên kế hoạch từ lâu. “Các hệ thống phòng không là những thiết bị đắt tiền và mất rất nhiều thời gian để chế tạo. Tuy nhiên, Nga đã sử dụng hầu hết các hệ thống này trong cuộc xung đột tại Ukraine cũng như bảo vệ Moscow, vì thế mạng lưới phòng không ở các nơi khác khá mỏng manh và bị suy yếu. Ukraine dường như đang tìm cách khai thác những lỗ hổng phòng không này của Nga", ISW lưu ý.
Ukraine chớp thời cơ tấn công sâu
Ngoài việc tiến hành các cuộc tấn công tại St. Petersburg, một số nguồn thạo tin cho biết, Ukraine đã tấn công nhà máy quân sự của doanh nghiệp Shcheglovsky Val ở vùng Tula của Nga vào cuối ngày 20/1, cách biên giới Ukraine khoảng 321km. Nhà máy này chuyên sản xuất hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S, phát triển vũ khí dẫn đường cho lực lượng mặt đất, hệ thống phòng không, pháo và vũ khí nhỏ.
Song song với việc khai thác những lỗ hổng phòng không của Nga, Ukraine cũng tìm cách tận dụng các công nghệ mới liên quan đến tác chiến điện tử, liên quan đến việc gây nhiễu, theo dõi tần số vô tuyến, dấu hiệu nhiệt và âm thanh của máy bay không người lái hoặc các hệ thống phòng không đối phương.
Ngoài ra, Kiev cũng củng cố các đơn vị phòng không di động, sử dụng máy bay không người lái tích hợp trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga. Bên cạnh đó, Ukraine cũng kết hợp giữa các hệ thống phòng thủ có từ thời Liên Xô như Osa và Buk, với hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ - có tầm bắn và khả năng phòng không tốt hơn để bảo vệ các vùng lãnh thổ. Tuy nhiên những hệ thống này không được thiết kế để bắn hạ các UAV rẻ tiền và việc sử dụng chúng thường xuyên sẽ làm cạn kiệt nguồn đạn dược có giá trị của Ukraine.
Hiện, cả Nga và Ukraine đều cố gắng làm suy yếu các lực lượng của nhau bằng làn sóng tấn công bằng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái. Hai bên cũng đang tìm cách phát triển những UAV ngày càng tinh vi, hiện đại hơn, đồng thời tìm cách khai thác lỗ hổng phòng không của đối phương. Chiến lược này được cho là phù hợp với một cuộc xung đột tiêu hao mà Nga và Ukraine đang bị cuốn vào.