Nga mạnh tay trên không gian số

Chính phủ Nga ngày càng tỏ ra quyết liệt đối với các luồng thông tin 'nhạy cảm', đặc biệt là trên không gian mạng. Cơ quan quản lý Internet của Nga đã yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet và viễn thông trên khắp nước này cung cấp các chi tiết kỹ thuật - như các con số về lưu lượng, thông số kỹ thuật thiết bị và tốc độ kết nối. Sau đó, họ bắt đầu ứng dụng công nghệ 'bôi đen' vào quá trình kiểm duyệt.

Siết chặt luồng thông tin

Các công ty viễn thông Nga nhất trí phối hợp để các kỹ thuật viên của chính phủ lắp đặt thiết bị cùng với hệ thống máy tính và máy chủ của riêng họ. Đôi khi, thiết bị mới liên kết trở lại một trung tâm điều hành ở Moscow, cho phép nhà chức trách có thể chặn, lọc và làm chậm các trang mạng mà họ thấy là có vấn đề. Quá trình này được tiến hành kể từ năm 2019, đánh dấu sự khởi đầu của nỗ lực kiểm duyệt kỹ thuật số được coi là “tham vọng nhất thế giới” bên ngoài Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, chính phủ Nga đang nỗ lực đưa mạng Internet vào tầm kiểm soát.

Rostelecom - Một trong các nhà mạng có kiểm soát của chính phủ Nga.

Công nghệ kiểm duyệt của Nga tạo thành một lớp rào chắn giữa các công ty cung cấp quyền truy cập Internet và những người đang duyệt mạng trên điện thoại hoặc máy tính xách tay. Phần mềm nói trên có tên gọi là “giám sát sâu gói thông tin” - sẽ tiến hành lọc thông qua dữ liệu truyền qua mạng Internet, từ đó làm chậm các trang mạng, hoặc xóa bất kỳ loại thông tin nào mà phần mềm được lập trình để chặn. Đến nay đã có 17 chuyên gia viễn thông, nhà hoạt động, nhà nghiên cứu và học giả Nga mô tả về cơ sở hạ tầng kiểm duyệt của nước này. Một số tài liệu của chính phủ - được tờ Thời báo New York xem xét - cũng nêu ra một số chi tiết về kỹ thuật và yêu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.

Thông điệp tới phương Tây

Nga đang sử dụng công nghệ trên để có thêm đòn bẩy trước các công ty Internet phương Tây, bên cạnh các biện pháp mạnh tay và quy định về pháp lý. Vào tháng 9 vừa qua, sau khi chính phủ Nga dọa bắt giữ nhân viên sở tại của Google và Apple, các công ty này đã phải gỡ bỏ ứng dụng do những người ủng hộ ông Navalny điều hành trước cuộc bầu cử quốc gia.

Dịch vụ Liên bang giám sát Truyền thông, Công nghệ thông tin và Truyền thông đại chúng (Roskomnadzor), mạnh tay hơn, đã tuyên bố có thể sẽ cấm YouTube, Facebook và Instagram hoạt động ở Nga nếu không chặn một số nội dung nhất định. Sau khi tiến hành làm chậm Twitter trong năm 2021, công ty này đã đồng ý xóa hàng chục bài đăng bị cho là bất hợp pháp.

Các nỗ lực kiểm duyệt của Nga vấp phải rất ít sự phản kháng. Tại Mỹ và châu Âu - từng là “nhà vô địch” về sự tự do trên không gian mạng - các nhà lãnh đạo hầu như chỉ biết im lặng, trong bối cảnh sự mất lòng tin đối với Thung lũng Silicon và nỗ lực giải quyết tình trạng lạm dụng Internet đang trở nên ngày càng sâu sắc.

Trong một tuyên bố, Roskomnadzor không đề cập đến công nghệ lọc nhưng cho biết các mạng xã hội nước ngoài tiếp tục phớt lờ luật Internet của Nga, vốn cấm hành vi kích động và nội dung về các chủ đề “chia rẽ nhà nước”, chẳng hạn như sử dụng ma túy và các tổ chức cực đoan. Cơ quan này khẳng định: “Trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, luật pháp Nga không cho phép kiểm duyệt”, đồng thời cho biết luật pháp Nga “xác định rõ ràng các loại nội dung có hại và gây ra mối đe dọa” đối với công dân.

Google, công ty sở hữu YouTube và Twitter đã từ chối bình luận về vấn đề trên. Trong khi đó, Apple cũng không phản hồi yêu cầu bình luận. Trong một tuyên bố, Facebook không đề cập cụ thể đến Nga nhưng “cam kết tôn trọng nhân quyền của tất cả những người sử dụng sản phẩm của chúng tôi”.

Trung Quốc được xem là “nguồn cảm hứng” để Nga áp dụng chính sách kiểm duyệt như hiện nay. Nhiều năm qua, các chính trị gia Nga đã đàm phán với các quan chức Trung Quốc về việc tạo ra “Vạn lý trường thành” trên mạng cho riêng Moscow, thậm chí từng gặp riêng người đã tạo ra bộ lọc nhằm chặn các trang mạng nước ngoài. Năm 2019, tại Hội nghị Internet Thế giới tại Trung Quốc, Roskomnadzor đã ký một thỏa thuận với công ty cùng lĩnh vực của nước chủ nhà, theo đó khẳng định cam kết của chính phủ Nga về việc thắt chặt kiểm soát trên không gian mạng. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, vốn có ba công ty viễn thông nhà nước, Nga lại có tới hàng nghìn nhà cung cấp Internet, khiến việc kiểm duyệt trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do xuất hiện các công nghệ “bôi đen”, công cụ đắc lực giúp chính phủ chặn các trang mạng và dịch vụ cụ thể nhưng không cắt đứt hoàn toàn khả năng truy cập.

Nga có lịch sử kiểm duyệt thông tin lâu đời. Trong nhiều thập niên, nước này đã hạn chế nhiều đường dây điện thoại quốc tế, sử dụng thiết bị gây nhiễu vô tuyến để cản trở các chương trình phát sóng nước ngoài không phù hợp. Hiện nay, truyền hình vẫn là lĩnh vực bị kiểm soát gắt gao tại Nga. Trong khi đó, Internet có con đường phát triển hoàn toàn khác.

Giờ đây, Tổng thống Putin phải tăng cường kiểm soát mạng Internet. Kể từ khi hệ thống giám sát các hoạt động trực tuyến của người dân được đưa vào hoạt động, một số blogger đã bị bắt giữ. Năm 2012, Nga đã thông qua luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chặn hàng nghìn trang mạng bị cấm, song việc này đã gặp trở ngại lớn và nhiều trang mạng vẫn hoạt động.

Vào tháng 5-2019, ông Putin đã phê duyệt luật “chủ quyền Internet”, theo đó buộc các nhà cung cấp Internet phải cài đặt “phương tiện kỹ thuật chống lại các mối đe dọa” - một thiết bị chứa phần mềm để chính phủ theo dõi, lọc và thay đổi lưu lượng truy cập Internet mà không cung cấp thông tin hoặc cho phép các công ty tác động đến thiết bị này.

Nga lập ra một cơ quan đăng ký các đường cáp Internet xuyên quốc gia đi vào nước này, cũng như các điểm kết nối với mạng Internet nội địa. Các chuyên gia cho biết hệ thống này giúp nhà chức trách Nga kiểm duyệt thông tin dễ dàng hơn.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nga-manh-tay-tren-khong-gian-so-i633542/