Nga - Mỹ đàm phán về kiểm soát vũ khí: Mở ra triển vọng tích cực

Các nhà đàm phán Nga - Mỹ vừa kết thúc hai ngày (22 và 23-6) thảo luận về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí tại Vienna (Áo). Dù chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) nhưng các nhà lãnh đạo của hai cường quốc vũ khí hạt nhân đều đánh giá cuộc gặp này mở ra triển vọng tích cực cho những vòng đàm phán tiếp theo.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea (phải) và Trung tướng không quân Mỹ Thomas Bussiere tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí.

Đây là cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí đầu tiên giữa Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Hai bên đã thảo luận về các cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế, trong đó có vấn đề gia hạn START mới và duy trì ổn định các vấn đề an ninh quốc tế trong bối cảnh chấm dứt Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF). Đặc phái viên Mỹ đánh giá vòng đàm phán đầu tiên có nhiều tích cực và cho biết, ông cùng đại diện phía Nga đã nhất trí thành lập nhiều nhóm công tác kỹ thuật và cuộc gặp thứ hai có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới.

Nga và Mỹ ký kết START mới vào năm 2010. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai, chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. START mới dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021 và có thể gia hạn trong tối đa 5 năm nếu cả hai bên đồng thuận.

Trong khi Nga bày tỏ mong muốn gia hạn START mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa chính thức trả lời và nhiều lần đề cập đến khả năng không gia hạn. Washington cho rằng, START mới là hiệp ước “thiếu sót”, “lỗi thời” khi không đề cập tới các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như vũ khí phi hạt nhân mới do hiệp ước này được ký vào năm 2010 - trước thời điểm thế giới xuất hiện các cuộc chiến tranh trên mạng, tên lửa siêu thanh và bệ phóng hạt nhân dưới biển. Chính phủ Mỹ đang tìm kiếm một hệ thống kiểm soát quân sự khác có thể cung cấp một “chiếc ô” an ninh thực sự cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác.

Sau sự sụp đổ của INF, START mới là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa hai siêu cường. Với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” và chính sách mà Tổng thống D.Trump thực thi kể từ khi lên nắm quyền, các nhà phân tích nhận định, không loại trừ khả năng START mới sẽ có một “kết cục buồn” như INF hay Hiệp ước Bầu trời mở. Nếu START mới bị “khai tử”, đây sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

Được coi là “hòn đá tảng” của cấu trúc an ninh thế giới, nếu START mới bị chấm dứt sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho toàn cầu. Nếu không có các bước đi phù hợp, động thái trên tiềm ẩn nguy cơ trở thành một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, các hiệp ước như START mới “là một phần không thể tách rời trong lĩnh vực không phổ biến và giải giáp vũ khí”. Liên hợp quốc hy vọng, Mỹ và Nga có thể tìm thấy tiếng nói chung, hướng đi đúng.

Thế nên, dù kết quả vòng đàm phán này chưa đạt được một thỏa thuận nào để gia hạn START mới, nhưng việc hai bên nhất trí thành lập các nhóm công tác để tiếp tục duy trì đối thoại về vấn đề này, có thể xem như một tia hy vọng sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và Hiệp ước INF.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/971156/nga---my-dam-phan-ve-kiem-soat-vu-khi-mo-ra-trien-vong-tich-cuc