Nga - Mỹ lập đường dây nóng mới về khủng hoảng Ukraine
Lầu Năm Góc đã thiết lập một đường dây nóng mới với Bộ Quốc phòng Nga nhằm ngăn chặn 'những tính toán sai lầm, các sự cố quân sự và leo thang' trong khu vực khi Moscow tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mỹ tuyên bố họ hiện không có binh sĩ ở Ukraine. Song, nước này và các đồng minh NATO ở châu Âu lo ngại về nguy cơ chiến sự lan rộng, trong bối cảnh Nga đang xúc tiến cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến hai.
Mỹ và các đồng minh cũng đang chuyển giao số vũ khí trị giá hàng triệu USD cho các lực lượng vũ trang Ukraine để chống lại quân đội Nga, bất chấp lời cảnh báo của Moscow về sự can thiệp của nước ngoài.
"Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã thiết lập đường dây liên lạc hóa giải xung đột với Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 1/3 nhằm mục đích ngăn chặn các tính toán sai lầm, các sự cố quân sự và leo thang", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ xác nhận. Thông tin về động thái đã được hãng thông tấn NBC đăng tải đầu tiên hôm 3/3.
Theo Reuters, quân đội Mỹ đã thành công trong việc tạo đường dây nóng với Nga trong quá khứ, kể cả trong cuộc chiến ở Syria, nơi Moscow ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tại đây, Mỹ và Nga đã tiến hành các chiến dịch quân sự song song, trong đó Washington tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Giới quan sát nhận định, việc thiết lập đường dây nóng quân sự là nỗ lực mới nhất nhằm giảm bớt căng thẳng đang tăng cao giữa Washington - Moscow, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần trước ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao.
Hôm 2/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng khuyến cáo, nếu chiến tranh thế giới lần thứ 3 nổ ra thì đó sẽ là một cuộc xung đột hạt nhân. Phát biểu càng khiến phương Tây gia tăng bất an.
Cùng ngày, quân đội Mỹ cho biết họ sẽ hoãn việc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III theo kế hoạch. "Vào thời điểm căng thẳng này, chúng tôi nhận ra mức độ thiết yếu của việc cả Mỹ và Nga đều phải lưu ý đến rủi ro của tính toán sai lầm và thực hiện các bước để giảm thiểu những rủi ro đó", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby giải thích về quyết định.