Nga - Mỹ 'lục đục' sau sự cố máy bay rơi trên biển Đen
Hãng tin TASS đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã bác thông tin về việc máy bay tiêm kích của nước này va chạm với máy bay không người lái của Mỹ ở biển Đen. Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov để trao đổi về vụ việc.
Bên cáo buộc, bên bác bỏ
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống kiểm soát không phận của Nga đã phát hiện máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bay qua biển Đen. Máy bay do thám này đã tắt bộ tiếp sóng, vi phạm không phận tạm thời được thiết lập cho hoạt động quân sự đặc biệt, vốn đã được thông báo với tất cả các bên sử dụng không phận quốc tế và được công bố theo tiêu chuẩn quốc tế. Thông báo khẳng định máy bay không người lái của Mỹ “sau đó mất kiểm soát, mất độ cao và rơi xuống biển”. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, tiêm kích Nga không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc gần với máy bay của Mỹ. Đại sứ Nga Anatoly Antonov cũng bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ, đồng thời cho rằng máy bay của Mỹ đã có hành động “cố tình khiêu khích” khi tiếp cận không phận tạm thời mà Nga đã công bố theo tiêu chuẩn quốc tế.
Những động thái từ Nga được đưa ra sau khi quân đội Mỹ tuyên bố 1 trong 2 máy bay SU-27 của Nga đã va vào cánh máy bay không người lái MQ-9 Reaper khiến nó rơi xuống biển Đen. Phía Mỹ cho biết thêm rằng, trước khi va chạm, các chiến đấu cơ của Nga đã xả nhiên liệu vào chiếc MQ-9 Reaper và thực hiện quy trình bay không an toàn. Tướng James Hecker của Không quân Mỹ nói: “Máy bay MQ-9 Reaper của chúng tôi đang làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế thì bị chặn và đâm bởi 1 máy bay của Nga, dẫn tới vụ tai nạn”.
Khó vượt tầm kiểm soát
Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ bày tỏ thái độ giận dữ về vụ việc. Thượng nghị sĩ Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, chỉ trích Nga “liều lĩnh và vô lý”, cho rằng kiểu khiêu khích này của Nga phải chấm dứt. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cho dù vụ việc diễn ra trong bối cảnh khá phức tạp hiện nay nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Nga khó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tờ The Guardian dẫn nhận định của giáo sư Mary Ellen O’Connell của Trường Luật Đại học Notre Dame (Mỹ) cho rằng, vụ việc làm nóng thêm tình hình ở biển Đen vốn đã nhạy cảm nhưng lưu ý quân đội Mỹ đã không gọi hành động của Nga là “bất hợp pháp”. “Rất có khả năng chiếc Reaper khi đó đang thực hiện nhiệm vụ giám sát, thu thập dữ liệu tình báo cho Ukraine. Theo luật xung đột vũ trang, Nga có thể thực hiện các hành động làm gián đoạn hành vi hỗ trợ đó”, bà O’Connell nói. Theo bà Becca Wasser, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung tâm An ninh Mỹ mới, sự cố có thể nghiêm trọng hơn so với những lần chạm mặt trước đây nhưng do liên quan đến máy bay không người lái nên căng thẳng khó có thể bùng nổ thành xung đột. “Sự việc gây lo ngại sâu sắc, đặt trong bối cảnh nhạy cảm mà nó xảy ra, nhưng việc thiết bị đó là một máy bay không người lái sẽ giảm đáng kể phản ứng quyết liệt của các bên”, bà Wasser nhận định. Chuyên gia này cũng dẫn chứng sự cố tương tự vào năm 2019, khi Iran bắn hạ máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ song Washington không có bất kỳ phản ứng quân sự trực tiếp nào.
Stephen Twitty, cựu Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), cho biết, sự việc có thể được Nga và Mỹ dàn xếp và điều quan trọng là Washington không có những hành động làm căng thẳng leo thang thêm. Bản thân Đại sứ Nga Anatoly Antonov cũng khẳng định Moscow không muốn đối đầu với Washington.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nga-my-luc-duc-sau-su-co-may-bay-roi-tren-bien-den-post682174.html