Nga: Nagorno - Karabakh có thể trở thành căn cứ của phiến quân Hồi giáo
Giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài của Nga cảnh báo rằng báo rằng khu vực ly khai Nagorno - Karabakh có thể trở thành 'bệ phóng mới cho các tổ chức khủng bố quốc tế'.
Điện Kremlin hôm 6/10 kêu gọi các bên có liên quan cần chấm dứt các hành động thù địch tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra lời kêu gọi trên sau khi người đứng đầu Lực lượng tình báo nước ngoài của Nga, ông Sergei Naryshkin cảnh báo khu vực Nagorny - Karabakh có thể trở thành căn cứ để các đối tượng khủng bố lợi dụng thâm nhập lãnh thổ Nga.
Ông Naryshkin cho biết cuộc xung đột khu vực Nam Caucasus đang thu hút những đối tượng mà ông cho rằng là lính đánh thuê và lực lượng khủng bố đến từ Trung Đông.
Ông cảnh báo rằng khu vực Nagorny - Karabakh có thể trở thành “bệ phóng mới cho các tổ chức khủng bố quốc tế”, nơi mà các chiến binh có thể tiến vào các quốc gia bao gồm cả Nga.
Cũng trong ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ lo ngại về khả năng các tay súng Syria và Libya tham gia cuộc xung đột Nagorno - Karabakh.
Bình luận của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, quốc gia là đồng minh thân cận của Azerbaijan, kêu gọi Moscow tích cực hơn trong việc hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno - Karabakh.
Cuộc giao tranh ở Nagorno - Karabakh đã bước sang ngày thứ 11 và bầu không khí căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt.
Phớt lờ nỗ lực hòa giải của nhiều nước, các bên tham chiến tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh vẫn tiếp tục nã pháo và tên lửa về phía nhau trong suốt hơn một tuần qua. Đây là đợt đụng độ mới nhất trong cuộc xung đột tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh kéo dài hơn 25 năm qua.
Hơn 250 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát dữ dội hôm 27/9 vừa qua tại Nagorno - Karabakh, vùng lãnh thổ của Azerbaijan được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhưng có đa số dân số là người gốc Armenia.
Trước đó, hôm 5/10, cả Azerbaijan và Armenia đều lên tiếng cáo buộc lẫn nhau làm leo thang căng thẳng tình hình. Azerbaijan cho biết, TP lớn thứ 2 nước này Ganja bị tấn công tên lửa và cáo buộc Armenia đứng sau vụ việc. Trong khi đó, Armenia cáo buộc Azerbaijan pháo kích Stepanakert tại Nagorno - Karabakh.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan ngày 6/10 tuyên bố Armenia có thể nhượng bộ trong cuộc xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh nếu Azebaijan sẵn sàng làm điều tương tự.
Thủ tướng Pashinyan nêu rõ: "Xung đột cần được giải quyết trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau. Nagorny-Karabakh đã sẵn sàng, Armenia đã sẵn sàng làm theo những nhượng bộ mà Azerbaijan sẵn sàng thực hiện”.