Nga nêu quan điểm trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Trả lời phỏng vấn chương trình Bolshaya Igra của kênh truyền hình Channel One, ngày 22/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ mà không tự làm tổn hại chính mình.
“Chúng tôi sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt, song theo cách thức không làm tổn hại chính mình. Chúng tôi chắc chắn sẽ phản ứng. Và chúng tôi chắc chắn sẽ cân nhắc tới vấn đề này khi xây dựng các mối quan hệ của chúng tôi” – ông Lavrov nói.
Nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý thêm rằng bản thân ông chưa bao giờ nghĩ các chính trị gia Mỹ sẽ đi xa tới mức đưa ra các quyết định tương tự, vốn được đánh giá là không mang lại lợi ích gì đối với các nhà hoạt động chính trị nghiêm túc. “Tôi thấy rất khó hiểu tình hình vì dù là theo cách gián tiếp hay trực tiếp thì tôi cũng biết được rằng, phần lớn các dân biểu, các Hạ nghị sỹ, các Thượng nghị sỹ này đều từ phe Dân chủ” – Ngoại trưởng Nga bày tỏ.
Tuyên bố trên được ông Lavrov đưa ra chỉ ít ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 (bắt đầu từ ngày 1/10), trong đó yêu cầu chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với hệ thống “Dòng chảy phương Bắc 2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Sau khi được Hạ viện phê chuẩn vào ngày 11/12, dự luật trị giá 738 tỷ USD trên đã được Tổng thống Mỹ D.Trump ký ban hành vào ngày 20/12.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các lệnh trừng phạt nhằm vào hai hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đã chính thức có hiệu lực. Các hoạt động xây dựng liên quan tới các dự án này cũng bị yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức”.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” trải dài 1.230 km từ Nga sang Đức qua biển Baltic, dự kiến bắt đầu được vận hành vào giữa năm 2020.
Trong khi đó, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” là một dự án tham vọng từ Nga băng qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kết nối Nga với phía châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và biên giới Hy Lạp thông qua đáy Biển Đen với 2 đường ống có công suất 15,75 tỷ mét khối mỗi ống. Một đường dự định vận chuyển khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và đường thứ hai là cung cấp cho miền Nam và Đông Nam châu Âu. Tuyến đường ống này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sự kết nối giữa trữ lượng khí đốt của Nga tới Bulgari, Serbia và Italy. Theo kế hoạch, tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Ngay sau khi các lệnh trừng phạt được công bố vào cuối tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã lên tiếng cáo buộc Mỹ có hành vi ngăn cản các nước khác theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế./.