Ngã ngũ cuộc đua sơ bộ vào Nhà Trắng trong ngày 'Siêu Thứ Ba'
Cho dù chưa giành được đủ số phiếu cần thiết để chính thức giành quyền đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng, song với chiến thắng khá thuyết phục trong ngày bầu cử sơ bộ 'Siêu Thứ Ba', cả đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump có lẽ chỉ chờ thời gian được 'gọi tên' bước vào bầu cử quyết định trong cuộc đua vào Nhà trắng.
Kết quả bầu cử sơ bộ thấy trước
Các kết quả kiểm phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng diễn ra ngày 5-3 (theo giờ Mỹ), còn gọi là ngày “Siêu Thứ Ba”, cho thấy đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đã giành chiến thắng trong cuộc đua nội bộ. Trong ngày bầu cử “Siêu Thứ Ba” năm nay, hàng triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử sơ bộ dưới hình thức bỏ phiếu kín và họp đảng tại 16 bang với đảng Dân chủ của ông Joe Biden và 15 bang cùng một vùng lãnh thổ với đảng Cộng hòa của ông Donald Trump.
Thuật ngữ ngày “Siêu Thứ Ba” được sử dụng lần đầu tiên năm 1988 khi lãnh đạo đảng Cộng hòa tại các bang miền Nam nước Mỹ quyết định tổ chức bỏ phiếu trong cùng một ngày để tạo uy thế cho ứng cử viên bảo thủ mà họ ủng hộ. Lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sau đó nhận ra rằng việc tổ chức sớm và đồng thời một số lượng lớn các cuộc họp đảng và bầu cử sơ bộ sẽ giúp cử tri xác định đâu là ứng cử viên Tổng thống sáng giá nhất của mỗi đảng, qua đó tăng tính đoàn kết và thống nhất trong nội bộ đảng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 cùng năm.
Việc thu được kết quả thuận lợi trong ngày “Siêu Thứ Ba” luôn là “liều doping” mạnh cho chiến dịch tranh cử của bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào. Minh chứng gần đây nhất là chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden năm 2020 khi sau những thất bại bước đầu tại hai bang Iowa (xếp thứ tư) và New Hampshire (xếp thứ năm), ông Joe Biden đã giành chiến thắng ở 10/15 bang và vùng lãnh thổ trong ngày “Siêu Thứ Ba” 3-3-2020, tạo cơ sở vững chắc để ông vượt qua đối thủ “nặng ký” nhất trong đảng là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (bang Vermont) và trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm đó.
Tuy nhiên, màn thể hiện yếu kém trong ngày “Siêu Thứ Ba” cũng có thể khiến một ứng cử viên vốn đang rất thành công phải từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng. Trường hợp điển hình là hai Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) và Marco Rubio (bang Florida), đều của đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây, khoảng 30-40% số đại biểu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa được phân bổ cho các ứng cử viên riêng trong ngày “Siêu Thứ Ba”. Theo luật bầu cử Mỹ, một ứng cử viên cần có được sự ủng hộ của hơn 50% số đại biểu đại diện cho chính đảng của mình để chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng.
Trong cuộc bầu cử năm 2024 này sẽ có 15 bang (Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Masachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont và Virginia) cùng một vùng lãnh thổ (Samoa) tiến hành bầu cử sơ bộ hoặc họp đảng vào ngày “Siêu Thứ Ba” (5-3), để chọn ra các ứng cử viên Tổng thống. Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu kín sau cuộc họp đảng của phe Dân chủ tại bang Iowa (được tổ chức dưới hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện) cũng sẽ được công bố vào ngày này. “Siêu Thứ Ba” năm nay được phân bổ 854/2.429 đại biểu của đảng Cộng hòa và 1.429/3.933 đại biểu của đảng Dân chủ cho các ứng cử viên.
Kết quả cuối cùng của bầu cử sơ bộ “Siêu Thứ Ba” phải chờ tới sáng 6-3 (theo giờ Mỹ), song đài CBS News dự đoán, Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng áp đảo ở gần như tất cả bang tổ chức bầu cử sơ bộ ngày 5-3. Trong đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại hai bang chiến địa quan trọng là Virginia và North Carolina, thu được 122 phiếu, tiến gần hơn tới mục tiêu giành 1.215 phiếu đại biểu để chính thức được bầu làm ứng cử viên Tổng thống của đảng.
Chờ màn tái so găng kịch tính
Giới quan sát cho rằng, với chiến thắng áp đảo trước các đối thủ trong đảng trong ngày bầu cử sơ bộ “Siêu Thứ Ba” 5-3, đương kim Tổng thống Joe Biden có lẽ chỉ chờ thời gian khi bác bang tiếp theo tổ chức bầu cử sơ bộ để giành được 1.968/3.934 phiếu đại biểu, qua đó chính thức giành quyền đề cử ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới. Tương tự, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đang chờ thời gian để thu được ít nhất 1.215/2.429 phiếu đại biểu để chính thức được bầu làm ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa tại Đại hội Đảng Toàn quốc vào trung tuần tháng 7 tới. Các ứng cử viên trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo giới quan sát, hầu như không có cơ hội để đảo ngược thực tế là các ông Joe Biden và Donald Trump sẽ giành chiến thắng trong “cuộc đấu nội bộ”.
Với Tổng thống Joe Biden, dù đã bất ngờ thất bại trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ tổ chức dưới hình thức họp kín tại vùng lãnh thổ Samoa có khoảng 50 nghìn dân vào ngày 5-3 cũng không ảnh hưởng nhiều tới thế thượng phong của ông chủ Nhà trắng. Vùng lãnh thổ 50 nghìn dân này chỉ chiếm có 91 phiếu đại biểu (ông Joe Biden giành được 40 phiếu) nên hầu như không ảnh hưởng tới kết quả ngày “Siêu Thứ Ba” có tổng số 1.429 phiếu.
Cả hai đối thủ của Tổng thống Joe Biden trong đảng Dân chủ là Hạ nghị sĩ Dean Phillips và bà Marianne Williamson đều không thu hút được sự nhiều sự chú ý của cử tri Mỹ. Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn nhiều với ông chủ Nhà trắng bộc lộ qua các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua là có thể đối mặt sự phản đối ngày một tăng từ cộng đồng người Hồi giáo và gốc Arab về chính sách sách của chính quyền Mỹ với Israel.
Thách thức với ông Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa có thể lớn hơn ông Joe Biden trong đảng Dân chủ khi đối thủ trực tiếp là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Sau chiến thắng đầu tiên tại cuộc bầu cử sơ bộ ở Thủ đô Washington hôm 3-3 vừa qua, bà Nikki Haley đã giành thêm chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại tiểu bang Vermont. Tuy nhiên, với tổng số phiếu đại biểu là 64, nữ cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã thua sút quá xa để đuổi kịp ông Donald Trump với tổng số 936 phiếu đại biểu (tính cùng thời gian tới sáng sớm 6-3 theo giờ Washington).
Và cũng như đối thủ lớn nhất là đương kim Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Donald Trump dù giành chiến thắng áp đảo trong đảng, song các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua cũng lộ ra những điểm yếu, thách thức trong cuộc chạy đua trở lại Nhà trắng. Giới quan sát đã cảnh báo về điều mà họ cho là rủi ro đằng sau những thắng lợi “như chẻ tre” của ông Donald Trump khi nhận thấy cựu Tổng thống đang đánh mất sự ủng hộ của nhóm cử tri ôn hòa và độc lập trong đảng Cộng hòa. Kết quả vòng sơ bộ vừa qua cho thấy, những cử tri này thích bất kỳ người nào ngoài ông Donald Trump cho vị trí ông chủ Nhà trắng tương lai.
Những yếu điểm lộ ra từ cuộc bầu cử sơ bộ của hai ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay - ông Joe Biden và ông Donald Trump - chắc chắn sẽ bị đối thủ tìm mọi cách để tận dụng, khai thác trong vòng đấu nốc ao sắp tới. Màn tái so găng giữa hai ông Joe Biden và Donald Trump nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay hứa hẹn vô cùng kịch tính.