Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria

Đài truyền hình tư nhân Ba Lan Polsat News và trang web Onet.pl ngày 26/4 dẫn các nguồn tin cho biết, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt theo hợp đồng Yamal cho Ba Lan.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt ở Gustorzyn, miền trung Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt ở Gustorzyn, miền trung Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu từ mạng lưới của các nhà chuyển tải khí đốt Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, dòng khí đốt thực tế qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ Belarus đến Ba Lan đã về mức 0 kilowatt giờ (kWh) lúc 16 giờ ngày 26/4 (giờ địa phương), so mức 52.634.785 kWh/ngày vào sáng cùng ngày.

PGNiG SA, công ty Ba Lan mua khí đốt của Gazprom theo hợp đồng dài hạn sẽ hết hạn trong năm nay, từ chối bình luận thông tin trên.

Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đồng ý trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble theo các quy tắc mới được Nga công bố vào tháng trước.

Moskva đã cảnh báo châu Âu rằng họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt trừ khi thanh toán bằng đồng ruble.

Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục thanh toán bằng đồng tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng của họ với Gazprom - 97% trong số đó bằng euro hoặc USD.

Trước đó cùng ngày, Ba Lan đã công bố danh sách 50 công ty và nhà tài phiệt Nga, kể cả Gazprom, sẽ bị trừng phạt theo luật được thông qua hồi đầu tháng cho phép phong tỏa tài sản của họ. Luật này tách biệt với các biện pháp trừng phạt do các nước thành viên EU cùng áp đặt.

Cũng liên quan đến căng thẳng nguồn cung khí đốt của Nga, Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom ngày 26/4 đã thông báo với đối tác Bulgargaz của Bulgaria rằng sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng bắt đầu từ ngày 27/4.

Thông báo nêu rõ, Bulgargaz nhận được thông báo rằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Gazprom Export LLC sẽ bị ngừng kể từ ngày 27/4.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố, Đức đã gần như độc lập với nguồn dầu nhập khẩu của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/4, Bộ trưởng Habeck khẳng định, vấn đề khí đốt vốn vài tuần trước tưởng chừng rất nan giải đối với Đức, nay đã giảm đáng kể. Có thể nói hiện Đức đã gần như độc lập với nguồn dầu nhập khẩu từ Nga.

Theo ông Habeck, tính đến thời điểm ngày 24/2, Đức vẫn nhập khẩu 35% dầu từ Nga, nhưng sau 8 tuần, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 12%.

Người đứng đầu Bộ Kinh tế Đức cho biết thêm rằng, nhập khẩu than đá từ Nga vào nước này cũng đã giảm đáng kể và sẽ về mức 0 sau khi châu Âu bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga.

TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/nga-ngung-cung-cap-khi-dot-cho-ba-lan-va-bulgaria-694741/