Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức và Đan Mạch
Từ ngày 1-6, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Công ty Điện lực Orsted của Đan Mạch và Hãng Shell Energy - đơn vị cung cấp khí đốt cho Đức, sau khi những đối tác này từ chối thanh toán bằng ruble.
Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đan Mạch, Đức từ 1-6. Ảnh: Reuters
Trước đó, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Công ty Năng lượng GasTerra của Hà Lan, Cơ quan Năng lượng Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan, đồng thời cũng dừng việc vận chuyển dầu cho Công ty Năng lượng châu Âu Shell. Quyết định ngừng cấp khí đốt sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble theo đúng chủ trương của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, dự trữ khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) đã được lấp đầy tới 41% công suất cho mùa đông tới, tức là nhiều hơn 5% so với cùng thời điểm năm ngoái. Ngoài ra, EU cũng đang đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm các tuyến đường cung cấp khí đốt thay thế. Tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường của EU trong 2 ngày 30 và 31-5, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận ngừng mua tới 90% lượng dầu mỏ của Nga từ nay đến cuối năm.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga không phát huy tác dụng về mặt lâu dài vì giá năng lượng tăng cao. Theo ông Chris Weafer - Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn Macro-Advisory, bên cạnh việc duy trì một số thị trường châu Âu, Nga có thể bán một lượng dầu vốn dĩ chuyển cho châu Âu sang Trung Quốc, Ấn Độ và các khách hàng khác ở châu Á với giá "hữu nghị". Bên cạnh đó, với việc nguồn cung dầu và khí đốt giảm, giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt như Nga.