Nga ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine, phương Tây phản ứng gay gắt

Việc Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã vấp phải loạt chỉ trích từ các nước phương Tây bởi theo họ, thỏa thuận này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.

 Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Ukraine.

Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Ukraine.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 17/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “các thỏa thuận trong Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực từ hôm nay” bởi Tổng thống Vladimir Putin đã đặt hạn chót là ngày 17/7 để những điều khoản liên quan đến Nga được thực thi tuy nhiên trên thực thế thì vẫn không có biến chuyển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó cũng cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moscow sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu "thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn".

Thỏa thuận mang tên "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen", do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán, được kí kết vào tháng 7/2022. Cho tới nay, thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn. Lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong 2 tháng.

Theo thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp một “hành lang ngũ cốc” an toàn qua Biển Đen để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Thỏa thuận được ca ngợi là có ý nghĩa quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tránh khỏi nạn đói.

Được biết gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu trong khuôn khổ thỏa thuận, trước khi chuyến tàu chở hàng cuối cùng rời quốc gia Đông Âu hôm 16/7.

Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã nhiều lần cảnh báo Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được giải quyết.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng xác nhận phần liên quan đến Nga hoàn toàn không được thực hiện đối với bất kì điều khoản nào trong khi việc vận chuyển lượng thực của Ukraine được đảm bảo. Ngoài ra, Nga cho hay ngũ cốc từ Ukraine được xuất khẩu không phải sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây.

Trước đó, một trong số những điều kiện quan trọng mà Nga đặt ra để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc là việc phương Tây đồng ý tái kết nối ngân hàng nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với mạng lưới SWIFT. Ngân hàng này đã bị Liên minh châu Âu (EU) loại khỏi SWIFT vào tháng 6/2022 nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, châu Âu được cho là chưa chấp thuận yêu cầu này.

Ngay sau thông báo của Điện Kremlin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã mạnh mẽ lên án việc Nga rút khỏi thỏa thuận bất chấp những nỗ lực dàn xếp của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra thì chỉ trích Nga vũ khí hóa lương thực. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh phía Nga cần gia hạn "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen"cũng như cam kết thực thi đầy đủ.

Giới chức Mỹ thì cho rằng việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc sẽ làm trầm trọng thêm an ninh lương thực và gây hại cho hàng triệu người.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine sẽ "giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu ở khắp mọi nơi".

Người phát ngôn chính phủ Đức Christiane Hoffmann ngày 17/7 cho biết Đức tiếp tục kêu gọi Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Ukraine bởi thỏa thuận này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyển bố Kiev sẵn sàng tiếp tục thỏa thuận ngay cả khi không có sự tham gia của Nga

Hải Đăng

Theo RT, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nga-ngung-tham-gia-thoa-thuan-ngu-coc-voi-ukraine-phuong-tay-phan-ung-gay-gat-20180504224286694.htm