Hiện nay trên các khu trục hạm hay tuần dương hạm cỡ lớn của Nga đều được trang bị hải pháo nòng đôi AK-130 cỡ 130 mm, đây là một hệ thống vũ khí rất lớn và trọng lượng thuộc hàng "siêu khủng", lên tới 97 tấn.
Nguyên mẫu đầu tiên của AK-130 mang mã định danh A-217 chỉ có một nòng. Nhưng vì tốc độ bắn 60 phát/phút không đạt được trong quá trình thử nghiệm, cho nên các kỹ sư đã đi tới quyết định lựa chọn kết cấu nòng đôi rồi đặt tên mã mới là A-218.
Do phải mang 2 nòng pháo cùng bộ nạp đạn quá phức tạp dẫn tới trọng lượng của pháo AK-130 vượt quá mức cho phép, nên vũ khí này chỉ được trang bị cho các chiến hạm có lượng giãn nước từ 7.500 tấn trở lên.
Nhằm khắc phục hạn chế về trọng lượng, các nhà khoa học của Cục thiết kế Amethyst đã phát triển một hệ thống pháo hải quân trọng lượng nhẹ hơn đến 4 lần mang mã A-192, nhờ chỉ có 1 nòng nên mở ra khả năng trang bị cho tàu chiến trung bình.
Mục tiêu thiết kế của các kỹ sư đó là tầm bắn của pháo mới sẽ được tăng lên khoảng 1,5 - 2 lần, tốc độ bắn vượt quá 30 viên/phút. Dự kiến độ tin cậy tăng 1,5 lần, tốc độ phản ứng khoảng 2 giây. Vận hành chỉ cần 3 người thay vì 6 người như trước.
Tuy nhiên giống như nhiều chương trình vũ khí khác của Nga, tiến độ chế tạo pháo hạm A-192 thế hệ mới diễn ra rất chậm chạp, khiến cho dự định tích hợp lên tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov - Dự án 22350 đã bị phá sản.
Trong khi đó nhìn sang Hải quân Trung Quốc, họ đã biên chế từ lâu mẫu pháo hạm H/PJ38 cỡ 130 mm với nhiều tính năng thậm chí còn vượt trội khẩu pháo còn đang nằm trên giấy của Nga.
H/PJ38 có tầm bắn tối đa 20 km khi sử dụng đạn thường đối với các mục tiêu mặt đất hay trên biển với tốc độ bắn khoảng 20 phát/phút. Trên thực tế, khẩu pháo này có thể bắn với tốc độ khoảng 50 tới 60 viên mỗi phút, tuy nhiên độ chính xác sẽ giảm xuống.
Điểm nổi trội của khẩu hải pháo Trung Quốc H/PJ38 đó là nó có khả năng bắn hai loại đạn riêng biệt: có vỏ và đạn không vỏ, tức là triển khai được cả tên lửa phóng qua nòng hay những loại đạn có điều khiển đặc biệt.
Ngoài ra trọng lượng của pháo H/PJ38 được cho là chỉ tương đương một khẩu A-190E cỡ 100 mm mà Nga vẫn trang bị cho chiến hạm thế hệ mới của mình. Rõ ràng với các thông số trên thì Nga đang bị tụt hậu lại một quãng đường rất xa so với Trung Quốc về vũ khí hải quân.
Nhưng vừa qua đã có diễn biến mới, khi nhà máy chế tạo vũ khí Arsenal ở St. Petersburg cho biết, các bài kiểm tra toàn diện dành cho pháo hạm A-192M cỡ 130 mm cơ bản hoàn thành, bệ pháo bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt để tích hợp trên những con tàu mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, 3 bệ pháo A-192M đã xuất xưởng, hợp đồng cũng được ký kết để sản xuất 3 bệ nữa. Ngoài ra một số hợp đồng đang ở giai đoạn phê duyệt, số lượng đơn vị sẽ được sản xuất theo lô mới hiện chưa được thông báo.
Trong tương lai khi sản phẩm đã hoàn thiện, pháo hạm A-192M chắc chắn sẽ được lắp đặt trên những khinh hạm tiếp theo thuộc Dự án 22350 và khu trục hạm Dự án 22350M vừa được lên ý tưởng.
Nhà sản xuất cho biết, tổ hợp pháo hạm A-192M sở hữu hệ thống hoàn toàn tự động để nạp đạn, có khả năng đưa tất cả 478 quả đạn pháo tới tháp mà không cần sự can thiệp của con người.
Do được thiết kế theo kiểu module, tổ hợp pháo này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với một loại tàu cụ thể. Tùy thuộc vào kích thước của sàn tàu và độ mớn nước được phân bổ cho bệ pháo, số lượng đạn sẽ được tăng hoặc giảm.
Như vậy với nỗ lực bền bỉ, Nga ít nhất cũng được xem là bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo trọng pháo hải quân, tuy nhiên khẩu A-192M vẫn cần chứng minh độ tin cậy để so sánh kỹ hơn với H/PJ-38.
Việt Dũng