Nga nỗ lực ngăn chặn việc quân sự hóa không gian vũ trụ
Việc biến không gian thành khu vực hoạt động quân sự sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ và hậu quả sẽ là những vụ đụng độ tiềm năng giữ các quốc gia. Việc tạo ra một khuôn khổ pháp lí nhằm ngăn chặn xu thế này giúp cho các mục đích phát triển công nghệ vũ trụ triệt để phục vụ lợi ích của cả nhân loại.
Cuộc đua vũ khí không gian
Hơn 30 năm trước, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan đưa ra “Sáng kiến phòng thủ không gian” (SDI). Tháng 2/2019, Mỹ ban hành “Chính sách vũ trụ” và đến tháng 12 cùng năm, Lực lượng Không gian Hoa Kỳ chính thức hình thành với tư cách là nhánh thứ sáu của Lực lượng Vũ trang Mỹ.
Cùng với việc hình thành quân chủng mới, những năm gần đây, ngân sách quốc phòng hàng năm đã đề xuất một ngân khoản khổng lồ chi cho phát triển nền tảng tác chiến cho lực lượng này.
Đặc biệt năm 2019, ngân sách quốc phòng đã được phê duyệt với mức kỉ lục 716 tỉ USD, được coi là "khoản đầu tư lớn nhất vào quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại" đến thời điểm đó, trong đó thúc đẩy quân đội làm việc trên các vệ tinh cảnh báo sớm mới để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo bay tới từ không gian.
Tháng 9/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Mark Esper cảnh báo, Trung Quốc và Nga đã vũ khí hóa không gian thông qua "vệ tinh sát thủ".
“Trên không gian, Moscow và Bắc Kinh đã biến một đấu trường hòa bình một thời thành một chiến trường chiến tranh. Họ đã vũ khí hóa không gian thông qua các vệ tinh sát thủ, vũ khí năng lượng định hướng,...”, ông Esper nói.
Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề tháng 9/2020, ông Mark Esper cáo buộc “Trung Quốc và Nga tìm cách làm xói mòn sự thống trị lâu đời của chúng ta về sức mạnh không quân thông qua hỏa lực tầm xa, hệ thống chống tiếp cận/từ chối khu vực và các khả năng bất đối xứng khác được thiết kế để chống lại thế mạnh của chúng ta”.
Để đối phó, ông Esper tiết lộ, Lầu Năm Góc đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ nhằm tạo lợi thế quân sự trong không gian. Năm 2018, Lầu Năm Góc đã đầu tư 95,3 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến tranh trong không gian và tương lai như vũ khí trí tuệ nhân tạo (AI), siêu thanh và năng lượng định hướng.
Nhiều quốc gia khác cũng đang bị “cuốn” vào cuộc đua không gian. Tháng 7/2019, Pháp thông qua “Học thuyết quân sự và không gian mới” do Bộ Quốc phòng đề xuất và kế hoạch thành lập “Bộ Chỉ huy Lực lượng vũ trụ” nhằm củng cố và phát triển năng lực không gian. Tháng 9/2019, EU thành lập cơ quan chuyên về phòng thủ và không gian. Tháng 12/2019, NATO chính thức công nhận không gian là lĩnh vực tác chiến. Tháng 5/2020, Nhật Bản thành lập “Lực lượng phòng vệ trên không”. Lực lượng Vũ trụ Nga được thành lập sớm hơn, năm 1992, tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2015 nó được tổ chức lại và định hình như ngày nay.
Cần một công cụ kiềm chế
Moscow ủng hộ việc bắt đầu đàm phán để lập ra một công cụ pháp lí quốc tế về cấm triển khai bất kì loại vũ khí nào trong không gian vũ trụ, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố.
“Sự nhất quán xuất phát từ quan điểm cho rằng chỉ có ngăn chặn được cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ thì mới có thể đảm bảo sử dụng (tiến bộ công nghệ vũ trụ) cho các mục đích xây dựng, phục vụ lợi ích của cả nhân loại.”, Ngoại trưởng Nga nói trong một thông điệp được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhân dịp kỷ niệm 60 năm chuyến bay của Yuri Gagarin lên vũ trụ.
Dự thảo hiệp ước Nga-Trung vốn được đưa ra tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva năm 2014, được đề xuất lấy làm cơ sở về một thỏa thuận vũ khí không gian. Trong khi tài liệu đang được hoàn thiện, Nga đưa ra một sáng kiến để ổn định tình hình, theo đó các nước cam kết mình sẽ không là nước đầu tiên triển khai vũ khí trong vũ trụ. Có 30 nước đã ủng hộ sáng kiến này, Ngoại trưởng Lavrov thông tin.
Nga đã nhiều lần ủng hộ việc tất cả các cường quốc về vũ trụ kí kết một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lí cấm toàn diện việc quân sự hóa không gian vũ trụ.
Vào tháng 5 năm ngoái, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov nói, Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của các đồng minh và NATO, đang cố gắng biến không gian thành khu vực hoạt động quân sự và những vụ đụng độ có thể xảy ra giữa các quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Zvezda, Ngoại trưởng Nga lưu ý, Moscow đang làm mọi việc có thể để ngăn điều này xảy ra. Theo ông, Moscow thực sự quan ngại về các kế hoạch của Mỹ và liên tục lên tiếng ủng hộ nghị quyết ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ tại nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có hội nghị giải trừ quân bị tại Đại hội đồng LHQ.
Liên quan đến chủ đề này, Giám đốc nghiên cứu khoa học về phương hướng chính trị-quân sự tại Viện Hoa Kỳ và Canada Pavel Zolotarev (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), cho rằng, mối đe dọa vũ khí được phóng vào không gian cần phải được ngăn chặn. Theo ông Zolotarev, điều quan trọng không phải là xử lí các cáo buộc lẫn nhau mà là tìm kiếm các bước để loại bỏ mức độ thiếu tin tưởng lẫn nhau và phát triển sự giám sát tình hình trong không gian.