Nga nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế tại Bắc Cực

Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Bắc Cực, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện và sẵn sàng hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế nhằm khai thác dầu khí, khoáng sản, cũng như phát triển Tuyến đường Biển Phương Bắc.

Phát biểu tại hội nghị về Bắc Cực ở Murmansk (Nga) ngày 27/3, ông Putin bày tỏ quan ngại về việc “các nước NATO coi vùng cực Bắc là bàn đạp chiến lược cho các cuộc xung đột tiềm tàng, đồng thời tăng cường diễn tập quân sự trong khu vực với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển – 2 ‘thành viên mới’ của liên minh quân sự”.

Ông Putin cũng nhắc lại rằng Mỹ đang thúc đẩy lợi ích của mình tại Bắc Cực, thậm chí Tổng thống Donald Trump từng có ý định mua lại Greenland. Tuy nhiên, ông chủ điện Kremlin khẳng định vấn đề này không liên quan đến Nga.

Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp, bao gồm cả việc tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực này.

“Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền đất nước và sẽ bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia”, Tổng thống Putin khẳng định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Diễn đàn quốc tế Bắc Cực tại Murmansk, Nga ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Diễn đàn quốc tế Bắc Cực tại Murmansk, Nga ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Về mặt kinh tế, Nga đang ưu tiên phát triển Tuyến đường Biển Phương Bắc (NSR) nhằm thúc đẩy thương mại với châu Á và giảm sự phụ thuộc vào châu Âu trong bối cảnh châu Âu đang áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên quốc gia này.

Việc mở rộng NSR không chỉ giúp Nga duy trì nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng mà còn tạo cơ hội hợp tác với các đối tác châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ riêng năm 2024, lượng dầu xuất khẩu từ các cảng Nga sang Trung Quốc qua NSR đã tăng 25%, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của tuyến đường này trong chiến lược kinh tế của Nga.

Ông Putin khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng hợp tác với Nga tại Bắc Cực sẽ nhận được lợi ích xứng đáng. Nga đang lên kế hoạch mở rộng các cảng phía Bắc, phát triển tàu thương mại chuyên dụng cho khu vực Bắc Cực, đồng thời tăng cường hỗ trợ bằng các tàu phá băng thế hệ mới, trong đó có cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận rằng nước này chưa đủ nguồn lực để tự triển khai kế hoạch và sẽ cần hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực đóng tàu.

Hiện tại, Nga đã vận chuyển thành công dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua tuyến NSR.

“Trong thời gian tới, cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước có thể vận chuyển container, than đá, hàng khô và nhiều loại hàng hóa khác qua Bắc Cực một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Nga cũng sẵn sàng hợp tác, thành lập liên doanh và kêu gọi các công ty hậu cần quốc tế cung cấp vốn, công nghệ và tàu thương mại để hỗ trợ quá trình này”, ông Putin nhấn mạnh.

Bắc Cực được đánh giá là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khoáng sản, đồng thời có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh và vận tải biển. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh, mở ra các tuyến đường biển mới, giúp việc khai thác tài nguyên trở nên thuận lợi hơn. Cùng với đó, tuyên bố muốn mua lại Greenland của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng làm gia tăng sự quan tâm của nhiều quốc gia đối với khu vực này.

Nga từ lâu đã gia tăng hiện diện quân sự tại đây bằng cách tái mở cửa các căn cứ thời Liên Xô và hiện đại hóa hạm đội hải quân. Trong khi đó, Mỹ coi Bắc Cực là một phần quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia - nơi đặt các trạm cảnh báo sớm trước nguy cơ tấn công hạt nhân.

Điện Kremlin khẳng định Bắc Cực là khu vực có lợi ích chiến lược đặc biệt đối với Nga. Vào tháng 2/2025, Nga từng đề xuất hợp tác với Mỹ để cùng khai thác tài nguyên tại đây khi quan hệ giữa hai nước đang có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, động thái này khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu lo ngại.

Tại hội nghị ở Murmansk, ông Putin cũng đề cập đến việc mở rộng quy mô cảng biển này, đặt mục tiêu tăng công suất gấp 3 lần trong những năm tới bằng cách xây dựng thêm các bến cảng và tuyến đường sắt mới. Ông cũng tiết lộ rằng các “đối tác” từ Belarus, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE và một số nước khác đang bày tỏ sự quan tâm đến dự án này.

CTV Hà Ngọc/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nga-no-luc-thuc-day-hop-tac-kinh-te-tai-bac-cuc-post1187872.vov